khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 21/06/2013 - 13:38

Dưới mái trường mơ ước

Tọa lạc dưới chân đồi Lác, khu 10, phường Đại Phúc (T.P Bắc Ninh), Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh có cơ ngơi khang trang và bề thế với đầy đủ trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, dưới mái trường này đã chắp cánh ước mơ cho biết bao “kỹ sư tâm hồn”, xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trong sự nghiệp “trồng người” của tỉnh và khu vực.


tap the can bo truong cao dang su pham bac ninh - huan chuong lao dong hang nhi
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh.

Năm 1997, tỉnh quyết định thành lập phân hiệu Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh trên cơ sở tách một bộ phận của Trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự với 339 sinh viên và 41 cán bộ giảng viên do đồng chí Ngô Duy Bách phụ trách. Ngày 24-6-1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 109/1998/QĐ-TTg thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh trên cơ sở hợp nhất phân hiệu Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh và Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý Bắc Ninh. Tháng 9-1998, đồng chí Khúc Đình Cương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường.

Sự khởi đầu của Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh thật nhiều bộn bề khó khăn về cơ sở vật chất. Khi ấy, ai cũng chỉ nghĩ rằng: Tình yêu nghề là động lực thúc đẩy họ tới trường. Lớp cán bộ quản lý đầu tiên như đồng chí Khúc Đình Cương rồi đến Trần Đình Tuyến... luôn trăn trở và tâm huyết với biết bao nhiêu hy vọng dựng xây một ngôi trường giáo dục đổi mới và thân thiện. Năm 2005, dự án xây dựng trường quy mô, hiện đại là nỗi trăn trở của lãnh đạo cũng như cán bộ giáo viên  nhà trường. Nghĩ là làm, tập thể cùng nhau chung sức đồng lòng về cơ sở vận động người dân để họ hiểu giá trị những lợi ích mà họ được hưởng trong tương lai như phát triển dịch vụ và thương mại. Ý tưởng đúng đắn đã thuyết phục được người dân đồng tình ủng hộ, nên việc giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng và mở rộng những khu giảng đường thênh thang, phòng thí nghiệm thực hành, nhà đa năng, sân chơi, kí túc xá... tạo cảnh quan cho ngôi trường khang trang và hiện đại.

  truong cdsp bac ninh
Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư khang trang hiện đại.

Tính đến tháng 12-2012, trường được phép đào tạo 42 mã ngành, trong đó có 26 ngành đào tạo cao đẳng, 2 ngành đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, 8 ngành đào tạo trung cấp, 6 ngành đào tạo cấp chứng chỉ. Đến nay, đã có 3.363 học sinh trung cấp chính quy, 4.298 sinh viên hệ cao đẳng chính quy và 2.555 sinh viên hệ cao đẳng vừa học vừa làm được tốt nghiệp; 1.102 lượt cán bộ quản lý giáo dục mầm non, tiểu học và THCS của tỉnh được bồi dưỡng; trên 1.000 người lao động và cán bộ, công chức, viên chức các ngành của tỉnh được đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ. Năm học 2012-2013, toàn trường có hơn 3.000 học sinh, sinh viên hệ chính quy, 1.850 sinh viên hệ vừa học vừa làm và hơn 3.000 sinh viên hệ liên kết đào tạo lên trình độ đại học. Tham gia liên kết đào tạo với các trường đại học danh tiếng như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Trường ĐHSP 2, Đại học Ngoại ngữ-ĐHQG Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… có ý nghĩa hết sức to lớn, giúp trường liên tục cập nhật thông tin về chương trình đào tạo và kinh nghiệm, phương thức tổ chức và quản lý các loại hình đào tạo bậc đại học.

Những thành tích tiêu biểu

- Đảng bộ trường liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ TSVM, 5 lần được tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của Tỉnh ủy.

- Năm 2003, Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

- Năm 2007, 2011 và 2012 nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

- Năm 2005 được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2011.

 

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng học hỏi, phấn đấu từng bước khẳng định vị thế của mình để nâng cao chất lượng dạy và học nơi đây. Đến nay, Nhà trường đã có 168 cán bộ, giảng viên, trong đó có 2 tiến sỹ và 86 thạc sỹ, 6 người đang làm nghiên cứu sinh. Để động viên cán bộ nghiên cứu sinh, ngoài chế độ mà tỉnh hỗ trợ thì Nhà trường còn quan tâm hỗ trợ thêm 50%. Nhờ vậy, công tác nghiên cứu khoa học luôn được tập thể cán bộ giáo viên đẩy mạnh thành phong trào thi đua lao động sôi nổi: Đã có 5 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, 5 đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh được nghiệm thu, 15 số Tạp chí khoa học được phát hành nội bộ và đặc biệt Nhà trường còn phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục tiên phong trong việc biên soạn xuất bản 19 giáo trình phục vụ đào tạo giáo viên từ bậc mầm non đến tiểu học và THCS, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho từng cán bộ giảng viên, thúc đẩy chất lượng giảng dạy và học tập. Những hoạt động thiết thực ấy đã tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét về chất lượng qua những cuộc thi. Trong 5 kỳ thi Olympic Toán sinh viên Toàn quốc, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu với 25 sinh viên đạt giải, ngoài ra còn có 25 sinh viên đạt giải qua các kì thi nghiệp vụ sư phạm, văn hóa thể thao...

Phát huy những thành tích đã đạt được, mục tiêu mà trường đề ra trong những năm học tới từng bước thực hiện đa ngành, tiếp tục mở rộng liên kết với các trường đại học uy tín để phấn đấu nâng cao trình độ sinh viên đạt chuẩn đại học; xây dựng đề án nâng cấp trường cao đẳng lên đại học đa ngành trong lộ trình giai đoạn 2015-2020.

Ths. Nguyễn Ngọc Lâm (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh)

 
 
ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

 

(Ths. Vương Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Nhà trường)

 

15 năm trôi qua, tuy chưa phải thật dài, nhưng dấu ấn mà tập thể, cán bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh để lại có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Một trong những khâu đột phá ấy là công tác chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên nhằm tăng cường vai trò tổ chức, hướng dẫn, điều khiển học tập, hoạt động tư duy và các kỹ năng học sinh, sinh viên nâng cao ý thức tự học, rèn kỹ năng thực hành, thảo luận… Thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học và đặc biệt là xây dựng thành công cuốn Tạp chí khoa học thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên tham gia sáng tạo, đóng góp viết bài chuyên sâu, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học.

 
Ý TƯỞNG ĐỘC ĐÁO TRONG NGHIÊN CỨU TỔNG HỢP ETYL LACTAT TỪ AXIT LACTIC VA ETANOL

(TS. Nguyễn Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Đào tạo- Quản lý KH-Quan hệ quốc tế)

 

Các đề tài khoa học luôn điểm đến, là niềm đam mê và sáng tạo cho những người tham gia giảng dạy hay nghiên cứu. Nó có mối quan hệ khăng khít, bổ trợ qua lại nhau, khiến tôi không ngừng học hỏi, tìm tòi và khám phá với hy vọng tìm ra nhiều phương pháp dạy học khoa học mà gần gũi cho học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận. Với tôi, công trình nghiên cứu tổng hợp ETYL LACTAT từ AXIT LACTIC VA ETANOL là món quà vô giá và ý nghĩa nhất. Ý tưởng độc đáo này đã được đăng ký độc quyền sáng chế ở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và đã được cấp độc quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ Pháp Fr 2957075 (2011) đồng thời tháng 6-2012 đã được cấp độc quyền sở hữu trí tuệ tại 4 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là Mỹ, Brazil, Việt Nam và châu Âu.  

 

TÌNH THẦY TRÒ THIÊNG LIÊNG LÀ CHẤT KEO GẮN BÓ

 

(Thầy Nguyễn Đắc Cửu, cựu giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh)

 

Tôi là một trong những giảng viên đầu tiên về gây dựng cơ sở phân hiệu trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Và kỷ niệm sâu sắc nhất là ngày 12 tháng Giêng năm 1997, tôi cùng với 40 cán bộ giảng viên cùng ngồi trao đổi họp bàn trong căn phòng vẻn vẹn 20 m2 lợp proximang lụp sụp. Khó khăn ai cũng biết, lương không đủ ăn, nhưng kéo lại ấy là tình cảm thiêng liêng giữa thầy và trò. Sự tin tưởng, chia sẻ và gửi gắm nguyện vọng của các lớp học trò chính là chất keo tạo động lực giúp những người giảng viên như tôi quyết tâm vượt qua khó khăn để cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục.

 

SINH ĐỘNG Ở PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ HÓA TRONG DẠY LỊCH SỬ

 

(Ths. Nguyễn Minh Phong, giảng viên khoa Giáo dục THCS)

 

Nói đến môn học Lịch sử, học sinh và sinh viên cứ nghĩ: khô và khó bởi theo cách truyền thống là thầy đọc, trò chép. Nắm bắt suy nghĩ ấy, chúng tôi đã thường xuyên rút kinh nghiệm, đổi mới các bài giảng bằng phương pháp sơ đồ hóa. Đây là phương pháp trực quan nhằm cụ thể hóa nội dung sự kiện lịch sử bằng những sơ đồ, hình học đơn giản thay cho câu chữ. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cũng không quên đưa thông tin từ các di tích lịch sử nổi tiếng như: Đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, tranh dân gian Đông Hồ… truyền đạt cho học sinh, sinh viên thấu hiểu được những giá trị truyền thống của vùng Kinh Bắc-Bắc Ninh văn hiến và khoa bảng.

 

EM MƠ LÀM CÔ GIÁO MẦM NON

 

(Em Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên khoa Tiểu học mầm non)

 

Từ thủa nhỏ, em đã mơ ước làm cô giáo mầm non. Xuất phát từ tình yêu trẻ và ước mơ của mình nên sau khi tốt nghiệp PTTH, em đã quyết tâm theo học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh. Ở đó hội tụ đầy đủ những điều em cần thiết: Từ đội ngũ giảng viên tài năng, tâm huyết trong công việc đến cơ sở vật chất hiện đại. Nhất là từ khi trường thành lập cơ sở Mầm non thực hành, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập và ứng dụng thực tế sau này thành cô giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ. 
XUÂN PHONG - BBN (thực hiện)
Top