khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ bẩy, 22/06/2013 - 08:05

Ô nhiễm môi trường ở làng nghề Đại Bái

Theo số liệu điều tra mới nhất làng nghề Đại Bái (Gia Bình) có 1.717 hộ làm nghề. Trong đó có 682 hộ làm đồ dân dụng, 145 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ, 164 đúc cán các nguyên liệu đồng, nhôm, 34 hộ chuyên cô, đúc phế liệu, ngoài ra là các hộ đúc, dập xoong, nồi...


Số lao động tham gia làm nghề 3.783 người trong đó số lao động thuê mướn tại địa phương 381 người và các vùng lân cận. Làng nghề được chia thành 5 xóm và một cụm công nghiệp, tương ứng với từng xóm là các hộ sản xuất các mặt hàng khác nhau. Ô nhiễm môi trường của làng nghề khá nghiêm trọng, lượng khói bụi, tiếng ồn vượt quá nhiều lần mức cho phép, các ao hồ trong làng đã chuyển màu đen và bốc mùi khó chịu. Nguyên nhân được xác định là các chất phế thải sau khi được đúc, cán, cô bã như; xỉ than, bã nhôm. đồng… không được thu hồi mà đổ bừa bãi ra môi trường xung quanh.

Nước thải của các hộ làng nghề có sử dụng hoá chất như axit, sút… không được thu gom lại để xử lý mà đổ thẳng trực tiếp ra lòng sông, ao, hồ, mương máng. Một nguyên nhân khác là do ô nhiễm khói bụi trong sản xuất đúc, cô phế liệu gây ra.

Qua khảo sát trong tổng số 164 hộ chuyên cô đúc nguyên liệu với 170 lò đúc thì có tới 119 lò xây ống khói chưa đạt tiêu chuẩn, và có nhiều hộ chưa xây dựng ống khói như ở xóm Sôn 2 lò, xóm Ngoài 12 lò, làng Mới 5 lò. Mặt khác, do đặc thù làng nghề sử dụng các thiết bị dập, cán, gò, dát nên tiếng ồn trong khu vực làng nghề rất lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.

Trước đây, hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng nước mưa hoặc nước giếng khoan để sinh hoạt, nhưng đến nay có tới 80% số hộ đã phải mua nước chở từ núi Thiên Thai về với giá 150 nghìn đồng/m3 về để ăn uống. Bà Nguyễn Thị Sưu, xóm Trại, thôn Đại Bái cho biết: Gia đình bà đã phải mua nước về sử dụng từ 3 năm nay, nhà có 5 khẩu, mỗi tháng đã phải mua tới 4m3 nước, chi phí đã mất 600 nghìn đồng, biết là nước đắt đỏ nhưng vẫn phải mua vì lo nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, dễ gây bệnh tật.

Ô nhiễm môi trường khói bụi, nước thải, tiếng ồn đã làm phát sinh nhiều bệnh tật trong nhân dân, như các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, đặc biệt là các bệnh ung thư. Bà Đinh Thị Sáng, Trạm trưởng trạm y tế xã Đại Bái cho biết: Hiện nay tuổi thọ bình quân của làng nghề mới chỉ đạt  63 tuổi, số bệnh nhân đến khám tăng đều theo hằng năm và đặc biệt tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư cao. Chỉ tính riêng khu vực xóm trại có gần 300 hộ thì trong 10 năm qua đã có 23 người bị chết vì mắc các bệnh ung thư, số nạn nhân mắc các bệnh ung thư cũng tăng các ở các xóm khác.

Đại Bái đã tích cực tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ năm 2005, xã đã xây dựng bãi để rác thải tập trung xa khu dân cư có diện tích 1,8 ha, năm 2011 thành lập được 6 tổ thu gom rác thải với 12 người làm nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt của hộ gia đình, xây dựng được tổ tự quản, vệ sinh môi trường, chỉ đạo các ngành đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh.

Đối với các hộ sản xuất kinh doanh từ năm 2006 xã có qui định bắt buộc các hộ có lò đúc phải xây dựng ống khói có chiều cao tối thiểu 12m, đồng thời tuân thủ các biện pháp trong xử lý chất phế thải, nước thải. Xã đã điều tra tổng thể thực trạng các hộ sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp để có sơ sở đánh giá chính xác thực trạng sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường để có các giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm của làng nghề như: Đại Bái yêu cầu các hộ có lò đúc, ống khói chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc chưa xây ống khói phải tiến hành xây dựng ống khói, lò đốt bảo đảm chiều cao tối thiểu 12m, các hộ sản xuất có máy móc  gây tiếng ồn lớn phải tuân thủ thời gian làm việc sớm nhất là 7h sáng và muộn nhất là 7h tối để dành thời gian nghỉ ngơi cho các hộ xung quanh.

Thông báo yêu cầu các hộ sản xuất tập kết chất thải rắn đúng nơi qui định và các hộ có nước thải lẫn hoá chất phải xây bể thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường, bên cạnh đó, xã tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả của các tổ tự quản, tổ thu gom rác thải và tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền và nâng cao công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của nhân dân.

Tuy nhiên, việc giải quyết ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành chuyên môn theo ông Nguyễn Văn Quảng,  Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bái: Chúng tôi rất mong muốn các ngành chức năng giúp địa phương trong qui hoạch, xử lý chất thải rắn, nước thải, khói bụi. Đặc biệt là xã rất cần được hỗ trợ xây dựng một hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân, để các hộ dân không phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hoặc phải mua nước từ nơi khác với giá đắt đỏ như hiện nay.
Nguyễn Văn Khôi (Đài Gia Bình) - BBN
Top