khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/06/2013 - 08:42

Ca trù có bớt... lạnh lùng?!

Dân ca Quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới trong cùng một đợt và chỉ cách nhau có 1 ngày. Thế nhưng, nếu nhìn vào thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của hai di sản này thời gian qua thì thấy chẳng khác nào “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”...!


ca tru bac ninh
Ca nương Nguyễn Thị Thiệp, kép đàn đáy Nguyễn Trọng Lộ và kép trống chầu Nguyễn Văn Thỉnh (thuộc CLB Ca trù xã Thanh Khương, Thuận Thành) là bộ ba tiêu biểu nhất của Ca trù Bắc Ninh hiện nay.

Bắc Ninh còn có Ca trù

Tiến sỹ sử học Trần Đình Luyện - người đã nghiên cứu khá kỹ về Ca trù Bắc Ninh đã khẳng định: Những chứng tích vật thể và phi vật thể còn tồn tại đến nay minh chứng, trên đất Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa kia rất nhiều làng xã có nghề hát ca trù. Không chỉ xuất hiện ở Bắc Ninh từ rất lâu đời mà Ca trù còn phát triển ở không gian rộng lớn với đa dạng các hình thức: Hát cửa đình, hát cửa quyền, hát thi, hát quán và hát tại gia. Ca trù Bắc Ninh cũng có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ với Tổ Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội). Điều đó chứng tỏ, hát Ca trù ở Bắc Ninh vừa là một nội dung sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã mang tính phong trào, vừa có bản sắc riêng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân.

Ngày nay, Ca trù Bắc Ninh tuy không còn rộn ràng sênh phách như thủa trước nhưng nó vẫn có một sức sống tiềm tàng và đang hồi sinh mạnh mẽ. Theo kết quả khảo sát, kiểm kê di sản Ca trù của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua, toàn tỉnh hiện có 4 câu lạc bộ Ca trù đang duy trì hoạt động. CLB Ca trù xã Thanh Khương (Thuận Thành) có 5 thành viên tham gia, trong đó, ca nương Nguyễn Thị Thiệp, sinh năm 1928 là một trong những ca nương dày dặn vốn liếng kinh nghiệm trong nghề hát cùng với kép đàn Nguyễn Trọng Lộ và kép trống Nguyễn Văn Thỉnh là một bộ ba mẫu mực của nghệ thuật Ca trù Bắc Ninh hiện nay.

Ở xã Thanh Khương vẫn còn lưu giữ được 2 tượng thờ, 1 tủ thờ có từ thế kỷ XVII – XVIII và 1 cây đàn đáy. Đối với CLB Ca trù thôn Tiểu Than (xã Vạn Ninh, Gia Bình) được thành lập từ năm 2008 thu hút hơn 30 hội viên tham gia. Hiện nay ở Tiểu Than vẫn còn nhà thờ tổ Ca trù, 2 cây đàn đáy và 5 bản sắc phong về nghệ thuật Ca trù.

Tại Yên Phong, CLB Ca trù huyện Yên Phong được thành lập năm 2002 với 5 thành viên, từng tham dự “Liên hoan hát Ca trù toàn quốc” năm 2005 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng thưởng 1 Bằng khen, 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Với CLB Ca trù làng Thượng Thôn (xã Đông Tiến, Yên Phong) có từ trước năm 1945 nhưng do chiến tranh nên nghệ thuật Ca trù ở đây vắng bóng suốt một thời gian dài đến năm 2009, CLB Ca trù làng Thượng Thôn mới được khôi phục trở lại. Hiện CLB có 25 hội viên, trong đó có 2 kép đàn và trống, 13 ca nương có khả năng hát được 13 thể cách.

Như vậy, cùng với Quan họ thì Ca trù cũng là một di sản văn hóa đặc trưng tiêu biểu kết tạo nên bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc hôm nay. Thế nhưng trong khi Dân ca Quan họ - Di sản văn hoá phi vật thể Đại diện của Nhân loại đã và đang được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy một cách tích cực, thường xuyên, liên tục thì Ca trù - Di sản cần bảo vệ khẩn cấp dường như chưa khi nào được quan tâm đúng với ý nghĩa của từ “khẩn cấp”.

 

Ứng xử công bằng với di sản

 

Vẫn biết, đặc trưng, bản sắc tiêu biểu của văn hoá Bắc Ninh là Dân ca Quan họ nhưng cùng với việc tập trung bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Dân ca Quan họ, các cấp, các ngành và cộng đồng cũng cần chung tay bảo vệ khẩn cấp Di sản Ca trù. Kép đàn đáy Nguyễn Trọng Lộ chia sẻ: “Ca trù là loại hình nghệ thuật nửa dân gian nửa bác học nên chúng tôi rất hiểu những khó khăn, phức tạp của việc bảo tồn và phát huy. Dẫu vậy, nhiều khi chúng tôi cũng có cảm giác hình như di sản Ca trù ở Bắc Ninh đang bị bỏ rơi và cảm thấy hơi chạnh lòng.

Không thể cứ để Dân ca Quan họ và Ca trù giống như “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng”, vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020. Đề án gồm 5 tiểu dự án, trong đó có 2 tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Ca trù với tổng kinh phí là 5 tỷ đồng. Hai tiểu dự án gồm: Sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Ca trù tại Bắc Ninh và truyền dạy hát ca trù tại cộng đồng, kinh phí 2 tỷ đồng; đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan đến Ca trù, kinh phí 3 tỷ đồng.

Một tín hiệu vui nữa đối với di sản Ca trù là tại kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã bàn và thống nhất về “Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh”. Ngoài nghệ nhân thuộc loại hình Dân ca Quan họ, đối tượng điều chỉnh của Quy định này còn áp dụng với những nghệ nhân thuộc loại hình Ca trù khi được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng danh hiệu nghệ nhân cũng sẽ được vận dụng mức thụ hưởng và chế độ đãi ngộ áp dụng như các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Những động thái tích cực nói trên là sự quan tâm của các cấp, các ngành, thể hiện cách ứng xử văn hóa, công bằng đối với di sản Ca trù nói chung và Ca trù Bắc Ninh nói riêng. Thế nhưng, di sản Ca trù có thực sự bớt “lạnh lùng” khi mà các nghệ nhân Ca trù vẫn đang băn khoăn rằng, không biết họ sẽ còn phải chờ bao lâu nữa và chờ đến khi nào mới được UBND tỉnh phong tặng để được thụ hưởng những chế độ ưu đãi?! Được biết, những người có đủ tiêu chí để xét phong tặng nghệ nhân Ca trù trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng không nhiều.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm - BBN
Top