khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 03/07/2013 - 16:56

Bắc Ninh đưa Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2004. Qua 8 năm triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, Pháp lệnh đã từng bước phát huy vai trò trong việc đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vào nền nếp.


Để Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đi vào cuộc sống, Ban Tôn giáo tỉnh (nay thuộc Sở Nội vụ) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục. Sau khi Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Tôn giáo xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị các cấp, các chức sắc, chức việc các tôn giáo theo sự phân cấp, đồng thời hướng dẫn các địa phương, hội đoàn thể tổ chức phổ biến đến nhân dân, đặc biệt là tín đồ các tôn giáo.
 
phap lenh tin nguong ton goa o bac ninh
Thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo các hoạt động từ thiện xã hội được đẩy mạnh.

Trong ảnh: Tăng ni, phật tử thăm tặng quà người già neo đơn tại Nhà tình thương Hương La (Tân Lãng, Lương Tài).
 
 
 
Trong 8 năm Ban mở 32 hội nghị quán triệt, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cho gần 6.700 lượt người, trong đó gần 6.000 lượt chức sắc, chức việc các tôn giáo và gần 700 lượt cán bộ làm công tác tôn giáo; tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng  kiến thức nghiệp vụ tôn giáo cho 3.055 lượt cán bộ làm công tác tôn giáo. Ban Tôn giáo phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể như: Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh lồng ghép phổ biến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức Hội.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Tôn giáo chú trọng công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tôn giáo được công nhận là Phật giáo và Công giáo. Khoảng hơn 20% dân số là tín đồ Phật giáo,  60% dân số ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo. Toàn tỉnh có trên 300 vị chức sắc, nhà tu hành, 594 cơ sở thờ tự và 700 cơ sở tín ngưỡng dân gian khác. Công giáo có trên 13.000 giáo dân, chiếm 10% dân số toàn tỉnh, sinh hoạt tôn giáo ở 38 xứ, họ đạo ở 55 thôn, khu phố thuộc 39 xã phường của 8 huyện, thị xã, thành phố.
Hàng năm Tòa Giám mục Bắc Ninh xây dựng chương trình hoạt động (Lịch Mục vụ) trình Ban Tôn giáo duyệt. Các cơ sở thờ tự Phật giáo đăng ký với UBND các xã, phường, thị trấn chương trình lễ hội của năm sau trước ngày 25-10 hàng năm. Đối với các lễ hội nằm ngoài chương trình đăng ký, hoặc các lễ hội tổ chức ở ngoài cơ sở thờ tự của các tôn giáo Ban hướng dẫn thực hiện đúng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Ban phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý và giải quyết có hiệu quả các vụ việc về tranh chấp đất đai, xây dựng sửa chữa trái phép, thuyên chuyển sư trụ trì không đúng quy định, mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ, giải quyết các điểm, nhóm Tin lành, đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh.
Việc quản lý xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo và các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện đúng quy định của Nhà nước và của địa phương. Công tác phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo được Ban Tôn giáo, Giáo hội Phật giáo tỉnh, Tòa Giám mục Bắc Ninh và Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của Pháp luật và Giáo luật. Được sự hướng dẫn của Ban, công tác từ thiện xã hội của các tôn giáo được phát huy hiệu quả góp phần giúp đỡ những gia đình khó khăn, người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam… giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Trong 8 năm qua, Phật giáo quyên góp, ủng hộ được 2,9 tỷ đồng, Công giáo 1,7 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền và nhân dân, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo từng bước đi vào cuộc sống. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thu được nhiều kết quả. Các hoạt động tôn giáo trên địa bàn phong phú nhưng vẫn giữ được nền nếp, người dân sống tốt đời, đẹp đạo, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.
Bài, ảnh: Phương Mai - BBN
Top