khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 16/07/2013 - 09:17

Một vài suy nghĩ về quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 2 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở Bắc Ninh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đến nay, chương trình đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Diện mạo nông thôn mới của tỉnh ta đang thay đổi từng ngày. Đến nay (theo tổng kết 12-2012), toàn tỉnh đã có 372 công trình được đầu tư xây dựng, trong đó có 278 công trình đã được phê duyệt với tổng giá trị khoảng 900 tỷ đồng. Tổng số tiền ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các công trình lên đến 170 tỷ đồng. 100% xã đã hoàn thành công tác quy hoạch chung, 40% xã đang tiến hành lập quy hoạch chi tiết. Sau 2 năm triển khai, các xã điểm đều đạt thêm từ 2-3 tiêu chí, riêng xã Trung Kênh (Lương Tài) tăng 6 tiêu chí, xã Bình Dương (Gia Bình) tăng 5 tiêu chí. Cùng với đầu tư hạ tầng NTM, các địa phương cũng tập trung thực hiện các tiêu chí khác, phấn đấu đến 2015 toàn tỉnh có 20% số xã về đích chương trình xây dựng NTM.

Tuy nhiên, qua thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh còn bộc lộ những khó khăn hạn chế và thách thức, cần có biện pháp khắc phục đó là:

Hiện nay, chúng ta thiếu chiến lược phát triển nông thôn và quy hoạch cấp vùng, do vậy sự liên kết kinh tế, giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và dịch vụ với nông nghiệp trong không gian vùng không có định hướng rõ ràng; đồng thời cần quy hoạch mạng lưới cụm nông công nghiệp hiện đại làm động lực cho phát triển nông nghiệp tại các vùng, ở đó cần có những vùng sản xuất nông nghiệp quản lý hiện đại, sản xuất có quản lý tốt kết nối với công nghiệp, dịch vụ, thị trường. Thực tế, quy hoạch nông thôn mới của nhiều xã còn thiếu ăn nhập và phù hợp với quy hoạch chung của huyện và vùng, hệ thống giao thông, thủy lợi cấp thoát nước, môi trường giữa các xã thiếu thống nhất, mạnh xã nào xã đó làm, chưa được bàn bạc thống nhất chung trong huyện, quy hoạch còn gò bó cứng nhắc xã nào cũng có trạm cấp điện, cấp nước, khu xử lý rác thải, chợ nông thôn, nghĩa trang v.v… mà thiếu sự liên kết giữa các xã, nên khi xây dựng xong tính khả thi kém, hiệu quả thấp, chợ xây xong dân không đến họp, trạm cấp nước xây xong dân không dùng…

Khi làm quy hoạch chi tiết phải bám sát quy hoạch chung bảo đảm 19 tiêu chí của Trung ương quy định, phù hợp với tình hình và khả năng của địa phương, không nhất thiết xã nào cũng phải có đầy đủ các hạng mục công trình hạ tầng đặt ra để tránh lãng phí tốn kém như đã nêu ở trên.

Việc lập quy hoạch (kể cả quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết) còn nhiều khó khăn. Xác định mục tiêu, yêu cầu quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa rõ, tầm nhìn chiến lược còn hạn chế mới chỉ dừng ở mức độ trong khoảng 10 đến 20 năm, một số nơi đến 30 năm, ít nơi có tầm nhìn đến 40 và 50 năm, còn coi nặng quy hoạch xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu dân cư, quy hoạch phát triển nghề, làng nghề, các khu chăn nuôi tập trung, vấn đề vệ sinh môi trường, kiến trúc nhà ở nông thôn mới bảo đảm giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bền vững…

Phải bảo đảm dân chủ công khai quy hoạch xây dựng, tuân thủ các bước lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ, thôn, xóm, tổ dân cư để mọi người tham gia đóng góp ý kiến vào quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Đặc biệt phải quan tâm đến việc công khai dân chủ trong việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch phân khu chức năng, đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị khu tái định cư cho những hộ phải di chuyển (nếu có) giữ gìn các công trình văn hóa của địa phương v.v…

Để quy hoạch xây dựng có chất lượng trước hết phải lựa chọn được đơn vị tư vấn thiết kế có đủ năng lực và trình độ chuyên môn trong việc khảo sát đánh giá hiện trạng, lập đồ án thiết kế, tránh tình trạng khảo sát một đằng thiết kế một nẻo, thiếu tính sáng tạo, đồ án thiết kế của nhiều xã na ná giống nhau, quy hoạch xây dựng không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đặc điểm tình hình của địa phương, quy hoạch của xã không phù hợp với quy hoạch chung của huyện và của vùng, phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần gây lãng phí tốn kém.

Việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới là công việc phức tạp, đòi hỏi đơn vị tư vấn và những người tham gia lập quy hoạch phải có năng lực, trình độ, tầm nhìn và sự nghiêm túc, nhiệt huyết trong công việc. Nhiều tư vấn chỉ chuyên ngành thực hiện trợ giúp các xã mà đôi khi cũng không hiểu rằng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, khác với quy hoạch chuyên ngành bởi vì nó bao hàm tính chất tổng thể, thể hiện cả chiến lược phát triển nông thôn của xã đó, mà đôi khi từng nhà tư vấn còn thiếu hụt. Chủ đầu tư là cán bộ xã thiếu kiến thức về xây dựng, nên nhiều nơi còn phó mặc cho đơn vị tư vấn thiết kế, thiếu chính kiến của địa phương mình.

Hiện nay tình hình chung ở các xã nổi lên một số khó khăn vướng mắc là hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước v.v… đã tồn tại khá lâu năm nên quy hoạch lại là rất khó khăn, nếu không được chỉ đạo chặt chẽ sẽ có nhiều tốn kém, lãng phí, hiệu quả thấp. Một số nơi khi quy hoạch chưa bám sát tiêu chuẩn của 19 tiêu chí do Trung ương quy định nên còn lãng phí tốn kém, thường vượt so với tiêu chuẩn định mức và tổng mức đầu tư.

Công tác thẩm định quy hoạch chưa được chỉ đạo chặt chẽ, thời gian kéo dài. Việc dân chủ công khai quy hoạch ở một số địa phương chỉ đạo chưa chặt chẽ, chưa tuân thủ các bước trong việc công khai lấy ý kiến dân chủ trong Đảng, chính quyền và nhân dân, chưa công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản vẽ quy hoạch chung chưa được thông báo tại các nơi công cộng, thông báo đến các thôn làng, tổ dân cư để nhân dân biết và tham gia ý kiến. Đặc biệt là ở những nơi nhân dân bị thu hồi đất, phải đền bù giải phóng mặt bằng, di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư, việc dồn điền đổi thửa v.v… nên đã xuất hiện những thắc mắc khiếu kiện, có nơi gay gắt gây mất ổn định ở địa phương.

Qua việc xây dựng nông thôn mới cho thấy xuất hiện hai khuynh hướng: một loại tích cực hăng hái nhưng lại nôn nóng muốn làm ngay, làm lấy được, không tuân thủ quy trình hướng dẫn nên chất lượng hiệu quả thấp, loại khác lại thiếu mạnh dạn, ngại va chạm, thiếu chủ động sáng tạo, trông chờ và ỷ lại vào cấp trên nên tiến độ chậm, trong khi đó thì trình độ quản lý của cán bộ yếu lại được giao quản lý nguồn vốn khá lớn rất dễ dẫn đến sai phạm.

Trước thực tế, những bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, điều cần thiết là rà soát lại về quy hoạch phát triển nông thôn mới tại các địa phương, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để công cuộc xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nên chăng cần có nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới vì nội dung một số tiêu chí quá cao, không sát với thực tế và khó thực hiện. Trong xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch với ba nhiệm vụ: quy hoạch sản xuất, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch đất đai (quy hoạch ba trong một) nếu làm tốt sẽ có vai trò quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển bền vững ở khu vực nông thôn.

KTS. Nguyễn Huy Phách
Top