Dù được xác định là một thiết chế văn hóa cơ sở quan trọng, cần phải có nhưng hiện chỉ có 6/8 huyện, thị xã, thành phố có thư viện huyện, trong đó: thành phố Bắc Ninh có 2, các huyện: Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du mỗi huyện có 1, còn lại thị xã Từ Sơn và Gia Bình đến nay vẫn chưa có thư viện?!. Với những địa phương có thư viện huyện cũng chỉ đang tồn tại một cách hình thức cho đủ thiết chế văn hóa.
Thỉnh thoảng mới có một số học sinh đến mượn sách ở thư viện huyện Yên Phong.
Ông Ngô Văn Thực, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: Thư viện huyện là một thiết chế văn hóa bắt buộc phải có ở cấp huyện nhưng do nhận thức và sự thiếu quan tâm của địa phương nên hầu hết các thư viện huyện đang trong tình cảnh bị bỏ rơi. Chưa có huyện nào trên địa bàn tổ chức tổng kết, đánh giá công tác thư viện hàng năm, thậm chí là lồng ghép tổng kết cũng không có. Vì thư viện tuyến huyện hoạt động kém hiệu quả nên Thư viện tỉnh thường xuyên phải làm thay việc của thư viện huyện như luân chuyển sách, tập huấn cán bộ hoặc trực tiếp xuống hỗ trợ các thư viện xã, phường và các thôn làng, khu phố để xử lý sách…
Trong quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi đã gặp và hỏi một số cán bộ đang công tác tại các ban, ngành của các huyện về vị trí của thư viện huyện nhưng phần lớn nhận được câu trả lời không rõ thư viện huyện đang đặt ở đâu vì họ chưa một lần đến đó. Nhiều người còn bảo: Bây giờ cả thế giới ở trên mạng, muốn tìm hiểu bất cứ thứ gì chỉ cần vài cái click chuột là xong, tội gì phải mầy mò đến thư viện cho mất công…
Bên cạnh việc chịu tác động của sự phát triển internet và các loại hình giải trí hiện đại khác thì hệ thống thư viện tuyến huyện còn có chung một khó khăn là thiếu kinh phí hoạt động. Chị Nguyễn Ngọc Oanh, cán bộ thư viện huyện Tiên Du cho biết: “Tôi rất muốn tổ chức các hoạt động, chương trình quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách hay và làm phong phú các hoạt động thư viện để thu hút bạn đọc nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên chẳng thể làm gì. Ngay cả việc in một tấm pano thông báo treo ngoài đường cũng cần phải có tiền chứ?!”.
Không những thiếu kinh phí hoạt động mà cơ sở vật chất của các thư viện huyện còn nghèo nàn và xuống cấp. Hầu hết các thư viện huyện được đặt trong Trung tâm văn hóa-thể thao huyện như: Thư viện huyện Tiên Du nằm gọn một phòng vẻn vẹn 10m2 bao gồm cả phòng đọc, kho sách và chỉ có 3 chiếc ghế nên nếu có nhiều hơn hai bạn đọc tại chỗ thì thư viện khó mà đáp ứng. Trong khi đó, thư viện huyện Thuận Thành đã phải ngừng hoạt động từ cuối năm ngoái để chống mối, sách vẫn bó kín trong bao tải xếp kho.
Cũng nằm trong Trung tâm văn hóa -thể thao của huyện nhưng thư viện huyện Yên Phong có cơ sở khang trang, độc lập hơn, tách riêng kho sách và phòng đọc. Dẫu vậy, một vài năm gần đây, thư viện huyện Yên Phong cũng không dám nhận thêm sách hỗ trợ cho dù là nguồn sách của chương trình mục tiêu Quốc gia vì không có giá đựng. Một cán bộ thư viện huyện Yên Phong tâm sự: “Thật lòng, mang sách về không có giá đựng, không phân loại được, xếp dưới đất hoặc cất kín trong kho thì nhận làm gì?”.
Thực tế cho thấy, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở hạ tầng, nguồn tài liệu sách báo lạc hậu, bạn đọc ít mặn mà, các cấp quản lý chưa quan tâm, cán bộ thư viện chưa tích cực… là tổng hợp những nguyên nhân dẫn đến việc thư viện tuyến huyện chỉ giống như những kho chứa sách. Trước thực trạng hoạt động èo uột, cầm chừng của các thư viện huyện hiện nay thì ngay cả những huyện đã có thư viện hay chưa có cũng chẳng hơn gì nhau. Vậy thư viện cấp huyện có còn cần thiết nữa không?! Nếu vẫn cần thì phải được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của hệ thống thư viện tuyến huyện để có sự quan tâm, đầu tư kịp thời…