khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 29/07/2013 - 08:35

Những nội dung chính của một số Nghị quyết do HĐND tỉnh khóa XVII ban hành tại kỳ họp thứ 9

Từ ngày 10 đến 12-7-2013, HĐND tỉnh Bắc Ninh khóa XVII, đã tổ chức kỳ họp thứ 9. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh thảo luận và ban hành Nghị quyết về Một số giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2013 và 9 Nghị quyết khác thuộc 3 lĩnh vực: Kinh tế-ngân sách, văn hóa-xã hội, pháp chế. Sau đây là tóm tắt nội dung chính một số Nghị quyết của kỳ họp:

I. Nghị quyết số 93/NQ-HĐND17, ngày 12-7-2013 về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2013. Theo đó, 6 tháng cuối năm 2013, HĐND tỉnh xác định:

Các chỉ tiêu chính: Phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra đầu năm, bao gồm:

1. Tăng trưởng kinh tế theo giá cố định năm 1994 ước tăng 11,2% (KH là 10%); theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 13,4% (KH là 12,5%);

2. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 19,8% so với KH năm (Giá so sánh 2010); tăng 76% so với thực hiện năm 2012.

3. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng 62,3% so với KH năm (Giá hiện hành);

4. Tổng thu NSNN đạt 10.566,5 tỷ đồng, bằng 92% KH năm (trong đó nội địa đạt 101,3%; thuế xuất nhập khẩu đạt 80%; các khoản không cân đối đạt 100%).

II. Nghị quyết số 94/NQ-HĐND17, ngày 12/7/2013 về việc thông qua kế hoạch biên chế công chức tỉnh Bắc Ninh năm 2014, với tổng số biên chế công chức đề nghị Chính phủ phê duyệt là 2.510 chỉ tiêu.

III. Nghị quyết số 95/NQ-HĐND17, ngày 12/7/2013 về việc thông qua kế hoạch biên chế viên chức tỉnh Bắc Ninh năm 2014. Theo đó, kế hoạch biên chế viên chức tỉnh Bắc Ninh năm 2014 là 22.477 chỉ tiêu.

IV. Nghị quyết số 96/NQ-HĐND17, ngày 12/7/2013 về việc Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh, có hiệu lực từ ngày 22/7/2013. Một số nội dung chính:

* Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Đối với các nghề và làng nghề: Quy định này áp dụng cho tất cả các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

2. Đối với thợ giỏi, nghệ nhân: Là công dân có hộ khẩu thường trú tại Bắc Ninh, làm việc trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh: Bao gồm tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

* Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống:

1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống:

Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt đồng thời 3 tiêu chí sau:

a) Nghề có tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;

b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;

c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

2. Tiêu chí công nhận làng nghề:

Làng nghề được công nhận phải đồng thời đạt 3 tiêu chí sau:

a) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề.

b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận.

 c) Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề.

3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống:

Làng nghề truyền thống phải có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 quy định này và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các quy định của địa phương trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề.

* Quyền lợi của làng nghề, nghề truyền thống:

1. Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất trong làng nghề, nghề truyền thống do UBND tỉnh công nhận được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ và các chế độ ưu đãi nghề và làng nghề của UBND tỉnh.

2. Nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp giấy công nhận một lần, ngoài các chính sách ưu đãi như trong Khoản 1, Điều 7 quy định này, còn được hưởng các chính sách ưu đãi riêng của quốc gia và địa phương nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề.

Mỗi một làng nghề đạt tiêu chuẩn được UBND tỉnh cấp giấy công nhận có giá trị trong 5 năm và tiền thưởng là 15.000.000 đồng đối với làng nghề; 30.000.000 đồng đối với làng nghề truyền thống, 100.000.000 đồng đối với làng nghề truyền thống có xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng nghề được Cục sở hữu trí tuệ công nhận.

* Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu thợ giỏi cấp tỉnh:

1. Là thợ lành nghề, có trình độ kỹ thuật, kỹ xảo nghề nghiệp giỏi, có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ cao mà người thợ bình thường không làm được, những mẫu mã sản phẩm này được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, được thị trường chấp nhận.

2. Làm việc có năng suất, chất lượng cao, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt.

3. Có sản phẩm đạt giải từ giải 3 trở lên trong các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi cấp tỉnh trở lên. Hoặc phải có ít nhất một sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao, được tập thể cùng làm việc nhất trí suy tôn và Hội đồng cấp cơ sở thừa nhận.

* Tiêu chuẩn xét công nhận danh hiệu nghệ nhân cấp tỉnh:

1. Là người có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện; có khả năng sáng tác mẫu mã đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ lành nghề khác không làm được.

2. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt.

3. Có tác phẩm do mình tạo ra đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, hay cá nhân được phong tặng bàn tay vàng, các danh hiệu cao quý khác trong các cuộc thi, triển lãm quốc gia hoặc quốc tế. Hoặc có ít nhất 2 sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật và giá trị kinh tế cao được tập thể cùng ngành nghề nhất trí suy tôn và Hội đồng cấp tỉnh thừa nhận.

4. Có công đóng góp trong việc giữ gìn, phát triển, đào tạo và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

* Tiêu chuẩn xét công nhận tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:

1. Nghề được du nhập vào các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh là nghề mới ở địa phương chưa có, sản phẩm phải có giá trị, hiệu quả kinh tế và được thị trường chấp nhận.

2. Nghề có khả năng thu hút được tối thiểu 150 lao động tại địa phương.

3.Thời gian duy trì và phát triển nghề mới tối thiểu là 2 năm trở lên.

* Chế độ khen thưởng và quyền lợi:

1. Đối với thợ giỏi:

- Được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi và được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 1 triệu đồng.

- Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;

- Được tham gia hội đồng trong các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi, do các tổ chức kinh tế, xã hội, Hội nghề nghiệp đứng ra tổ chức.

2. Đối với nghệ nhân:

- Được UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh và được thưởng một lần bằng tiền hoặc hiện vật trị giá 5 triệu đồng.

- Được tổ chức truyền, dạy nghề theo quy định của pháp luật;

- Được mời tham gia các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh;

- Được mời tham gia làm tư vấn cho Hội đồng xét thợ giỏi cấp tỉnh;

- Được nhà nước bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp với những sản phẩm làm ra theo Luật sở hữu trí tuệ;

- Khi đạt các tiêu chuẩn của nghệ nhân cấp nhà nước, sẽ được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị Hội đồng cấp Trung ương xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân cấp nhà nước.

3. Đối với tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh:

Được UBND tỉnh tặng Bằng khen và thưởng một lần bằng tiền hoặc bằng hiện vật, trị giá 15 triệu đồng.

V. Nghị quyết số 97/NQ-HĐND17, ngày 12/7/2013 về việc Hỗ trợ ngân sách xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Yên Phong I nhằm hỗ trợ kinh phí thuê hạ tầng của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV3), có hiệu lực từ ngày 22/7/2013. Theo đó, mức hỗ trợ hàng năm tối đa không quá 60% số thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp ngân sách hàng năm.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% tiền thuê hạ tầng cho diện tích 559.365 m2 để xây dựng nhà máy sản xuất và các công trình phúc lợi xã hội của SEV3 tại Khu công nghiệp Yên Phong I, tỉnh Bắc Ninh.

Tổng số tiền (tạm tính): 346,52 tỷ đồng.

Thời gian hỗ trợ: 5 năm liên tục, kể từ khi có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp ngân sách.

Phương thức hỗ trợ: Thông qua Công ty đầu tư hạ tầng Viglacera.

VI. Nghị quyết số 98/NQ-HĐND17, ngày 12/7/2013 về việc Quy định một số nội dung chi, mức chi kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 22/7/2013. Nội dung chi, mức chi kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, rà soát, xử lý, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh  cụ thể như sau:

- Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp: 600.000đồng/báo cáo/văn bản.

- Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản: 100.000đồng/văn bản.

- Chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản:

+ Mức chi chung: 140.000đồng/văn bản.

+ Đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp: 300.000đồng/văn bản.

- Chi soạn thảo, viết báo cáo:

+ Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo chuyên đề, địa bàn, theo ngành, lĩnh vực: 1.000.000đồng/báo cáo.

+ Trường hợp phải thuê chuyên gia ngoài cơ quan: 1.500.000đồng/báo cáo.

- Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:

+ Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ công tác kiểm tra văn bản; rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ: 100.000đồng/văn bản.

+ Chi thu thập, phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản, trang bị sách, báo, tạp chí … phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (đối với việc phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, văn bản mà không có mức giá xác định sẵn): 70.000đồng/văn bản.

(Khoản chi này không áp dụng đối với việc thu thập các văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật trong các hệ cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên Công báo).

Hương - Phương
Top