khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 02/08/2013 - 08:37

Mấy suy nghĩ về việc xây dựng chợ và siêu thị

Xây dựng chợ nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương chợ xây xong rồi lại phải “bỏ hoang”. Còn ở các đô thị, phong trào phá chợ xây siêu thị cũng đang chịu cảnh “hiu hắt” trong khi cạnh đó là sự nhộn nhịp của các chợ cóc. Đó là một thực trạng đáng báo động!

Chợ quê - hồn Việt

Ai cũng có một miền quê sinh ra và do đó ai cũng có hình ảnh chợ phiên quê trong lòng. Ai cũng có tuổi ấu thơ đã từng mong bà, mong mẹ đi chợ về để có quà, dù đó chỉ là cái bánh đa, gói bỏng ngô, củ khoai, chiếc kẹo bột… mà sao thân thương đến thế!

Chợ làng, hiểu một cách nôm na, đó là những ngôi chợ nhỏ, đơn sơ ở những làng quê, mang tính tự phát do nhu cầu trao đổi những sản vật từ một nền kinh tế nông nghiệp tự sản tự tiêu của người nông dân Việt Nam. Ở nông thôn nước ta, thường mỗi xã hoặc một vài làng liền kề nhau có một cái chợ. Chợ của làng nào thì gọi theo tên của làng ấy, thông thường tên chợ cổ chỉ có một chữ theo tên của làng (chợ Chằm, chợ Chì, chợ Hồ, chợ Núi, chợ Đọ, chợ Giầu, chợ Chờ…) nói nôm na đó là loại chợ quê.

Chợ quê thường nằm trên một mảnh đất rộng ở vị trí trung tâm của làng, cạnh một cái quán, cái cầu hoặc trên mặt đê, bên gốc cây gạo, cây đa cổ thụ… với vài cái mái tre, nứa, lá.Cả người mua và người bán hàng trong chợ đều là dân trong làng, hoặc các làng lân cận. Giao thông thuận lợi là yếu tố  cần thiết nhất của chợ. Chợ phải thuận tiện, gần gũi với quần cư làng xóm, mà thiếu những yếu tố tự nhiên và tất yếu ấy, khó có thể hình thành và tồn tại một ngôi chợ Việt.

Chợ quê mang tính tự cung tự cấp. Dân thôn đem bán mớ tôm, mớ tép, mớ rau vườn nhà, con gà, con vịt mới nuôi, các loại hoa, quả, cũng có khi thêm ít hàng xén. Hàng hóa lúc ít lúc nhiều nhưng hàng quà thì không bao giờ thiếu. Phiên chợ quê tuy giản đơn nhưng hòa nhập với thiên nhiên, cũng như thiên nhiên không thể thiếu trong đời sống của mỗi người dân quê.

Chợ ở các địa phương tuy khác nhau ở kiến trúc bề ngoài, nhưng hình thái giao tiếp thì muôn thuở giống nhau: đấy là nơi để trao đổi cảm xúc. đến chợ du khách sẽ đắm mình trong cảnh chen chúc, đông đúc và có thêm một chút gì đó lộn xộn, ồn ào nhưng vui và ấm áp là được hỏi han, mời chào như người nhà... được thưởng thức những mùi vị thơm thảo của quê hương mình lan toả khắp không gian. Đi từ đầu chợ đến cuối chợ toàn là người quen, tạo cho phiên chợ không khí ấm áp, hiền lành. Đi chợ là tìm sự hội nhập cộng đồng để chia sẻ-bồi đắp không gian văn hoá, không gian thông tin, không gian tình tự cộng đồng… trước khi thoả mãn các nhu cầu vật chất.

Người dân quê dường như ai cũng thích đi chợ. Không mua sắm thì đi ngắm, đi chơi... Đan xen giữa những chuyện bán mua, người ta tranh thủ hỏi thăm, gặp gỡ, thông báo tin vui, chia sẻ chuyện buồn, học hỏi nhau cách làm ăn cấy hái…

“…Chợ quê mỗi tháng dăm lần

Có sàng bánh đúc,

có tranh con gà

Nong nia thúng mủng bày ra

Người quê giản dị thật thà lời quê…”.

(Nhà quê - HP.)

Dù còn mang nặng tính tự túc, tự cấp nhưng chợ quê không phải vì thế mà đơn điệu, lạc lõng với thế giới bên ngoài. Người mua, kẻ bán, tất thảy đều xởi lởi, vui vẻ. Đối với người “nhà quê”, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa, là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt… Bởi chợ quê là nơi lưu giữ những nét văn hóa cũng như tục lệ của người dân nơi đó.

Người ta thường bảo, muốn tìm hiểu về đời sống, thậm chí là văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến… chợ. Vì chỉ có ở chợ, nhiều vấn đề được bộc lộ một cách chân thực, sống động và hồn nhiên nhất.

Một người nước ngoài làm công tác văn hoá nhiều lần đến Việt Nam đã nói về chợ Việt: “… Đó là thương trường bán lộ thiên kỳ diệu, như sự bùng nổ của sắc màu, âm thanh, hương vị của thiên nhiên, con người và xứ sở”.

Tuy nhiên, chợ quê không còn nhiều như trước đây, nếu có cũng chỉ vì mục đích trước mắt, nhiều chợ quê cũng đã được xây dựng mới nhưng còn mang tính hình thức, gượng ép, không xuất phát từ ý nguyện thực của người dân. Vì thế chợ bị “bỏ hoang” (chợ Bồ Sơn, chợ Vũ Ninh, chợ Thị Chung của TP. Bắc Ninh và nhiều chợ khác ở các huyện trong tỉnh cũng đang chịu cảnh như vậy!). Ai chẳng muốn đổi sự nhếch nhác, luộm thuộm để lấy chỗ khang trang hơn trong những ngôi chợ mới, nhưng hiềm một nỗi người làm chợ mà không hiểu bản chất của chợ. Chợ mà không có sân bãi rộng, không tiện đi lại, chợ mà cửa đóng then cài với một số ít quầy bao quanh chợ, còn lại bao nhiêu quầy sạp khác bị nhốt vào bên trong- tối tăm và bất tiện thì chợ vắng người là lẽ đương nhiên.

Trên địa bàn Bắc Ninh hiện nay cần xây dựng lại khoảng 95 ngôi chợ theo tiêu chí của chợ nông thôn mới, sự lãng phí trong đầu tư xây dựng chợ là điều hoàn toàn có thể tiên lượng được, nếu không chuẩn bị tốt nó sẽ thành gánh nặng tài chính cho các xã nghèo, trong khi các địa phương đang cần nhiều nguồn lực để đầu tư thiết yếu các hạng mục khác phục vụ cho đời sống dân sinh.

Chợ và siêu thị trong tiến trình đô thị hoá

Đô thị hoá mở ra nhiều hình thái buôn bán: siêu thị, trung tâm thương mại, những hình thức mua bán mới văn minh, tiện nghi nhưng nếu thiếu đi cái không gian giao tiếp của cộng đồng- cái linh hồn của một đô thị sống động, thì nó sẽ thất bại.

Thành phố phát triển, tập quán mới du nhập, sự hình thành các cửa hàng bách hóa nhiều hơn trước, hay những siêu thị mini, những phức hợp siêu thị, những trung tâm thương mại, giải trí lớn là điều hợp quy luật và phù hợp với một bộ phận thị dân hoặc một nhu cầu giao dịch khách hàng ngoài chợ của đa số thị dân.

Vậy vấn đề không nằm ở chỗ ủng hộ hay không ủng hộ những mô hình siêu thị hay không ủng hộ chợ truyền thống. Mà hãy để việc xây dựng mới của chợ phản ánh đúng bản chất của sinh hoạt chợ. Bởi văn hóa chợ khác hẳn siêu thị. Giá cả và chủng loại hàng hóa của chợ cũng thường thấp hơn, phần lớn là hàng hóa sơ chế. Dưới con mắt người tiêu dùng, mua bán trong trung tâm thương mại hay siêu thị rõ ràng là không thuận tiện bằng ở chợ, tuy hàng hoá đa dạng và chọn lọc kỹ hơn qua nhiều khâu nhưng không thể tươi rói như ở ngoài chợ- rau quả vừa thu hái trong vườn nhà xong là mang ra chợ ngay. Đã thế hiện nay, giá thuê mặt bằng ở siêu thị cao nên hàng hóa phải bán đắt, khó tiếp cận người mua hơn.

Ngoài chức năng là nơi mua bán thì chợ dứt khoát phải là không gian giao tiếp. Đã là giao tiếp thì phải thuận tiện, khi có nhiều thời gian (hàng giờ đồng hồ) mới có thể vào siêu thị để mua sắm, chọn lựa. Nhưng khi chỉ có 10-15 phút thôi, thì mọi người cần giao dịch trực tiếp ở nơi gọi là chợ: ghé qua chợ mua một bó rau tươi, một con cá quẫy… mới dễ dàng làm sao! Còn giao dịch hàng hóa ở siêu thị là giao dịch trong tập quán mới của cư dân đô thị, vào siêu thị  là để thực hiện hành vi trao đổi hoàn toàn mang tính vật chất. Siêu thị tạo ra sự cô đơn và lặng lẽ tuy rằng ở chỗ đông người.

Hiện nay, nhiều dự án phá chợ xây siêu thị được xây dựng, phê duyệt theo ý chí của những người đã quá quen xây bách hóa tổng hợp thời bao cấp. Dẫn đến siêu thị bị cảnh “hiu hắt”. “Hiu hắt” theo nghĩa hoạt động rất ít, chỉ ở dưới đất, còn các tầng trên thì hầu như bỏ trống. (Trung tâm thương mại Ba Gia- P. Đình Bảng- Từ Sơn mới chỉ 20% ki ốt hoạt động, chợ Giầu, chợ Nhớn thì vẫn còn là trong bản vẽ…; các công trình trung tâm thương mại kết hợp với chợ ở Hà Nội cũng chung cảnh ngộ: chợ Hàng Da vắng khách, nhiều gian hàng đóng cửa, chợ Cửa Nam đìu hiu không bóng người, chợ Ô Chợ Dừa biến thành nhà hàng Karaoke…). Trong khi đó thì phần che vội vàng, tạm bợ ở ngoài sân chợ hoặc các khu phố xung quanh chợ, lại vẫn rất tấp nập.

Theo các chuyên gia kinh tế, về mặt phát triển đô thị chúng ta không phủ nhận tầm nhìn quan trọng của các siêu thị, bởi đây là nơi phục vụ văn minh, hàng hoá bảo đảm chất lượng, phù hợp với vệ sinh môi trường… Tuy nhiên, ở góc độ dân sinh, chợ vốn là một hạ tầng xã hội tất yếu và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển đô thị. Để tạo thuận lợi cho người dân giao lưu buôn bán, mua sắm, theo định hướng cải tạo và phát triển chợ, nên chăng trong các đô thị chỉ việc cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng, còn các siêu thị sẽ được làm mới  theo quy hoạch! Không nên biến chợ cũ thành siêu thị, biến văn hoá chợ thành văn hoá siêu thị.

Tiến sĩ Stephanie (tổ chức HealthBridge – Canada) “cảnh báo”:“Văn minh, hiện đại có thể đang được dùng như một cái cớ để người ta từ bỏ các không gian truyền thống quen thuộc vốn tạo nên bản sắc và linh hồn thành phố. Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những kế hoạch xoá bỏ chợ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị. Thực tế đã cho thấy, những gì mất đi sẽ khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một cái giá rất đắt”.

Có nhà văn hoá đã ví: “ phá chợ xây siêu thị là phú quý giật lùi!”.

Điều đó thực đáng để chúng ta suy ngẫm!                                                                                                                                             

Nguyễn Huy Phách
Top