khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 02/08/2013 - 08:40

Hướng dẫn viên du lịch thiếu và yếu

Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, loại hình du lịch văn hóa, tâm linh đang được đầu tư mạnh mẽ trở thành hướng đi mũi nhọn của du lịch Bắc Ninh. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, du lịch Bắc Ninh vẫn đang rất thiếu và yếu ở khâu hướng dẫn viên – cầu nối quan trọng giúp du khách cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp, tinh hoa và giá trị của các di sản.

Đến thăm chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành), chúng tôi có ý định tìm một hướng dẫn viên để nghe thuyết minh về lịch sử, kiến trúc chùa. Sau một hồi loay hoay liên lạc theo số điện thoại trên tấm biển chỉ dẫn mà không được, cả đoàn đành phải vào thăm chùa mà không có hướng dẫn viên. Điều này khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối vì không có cơ hội tìm hiểu thêm về giá trị văn hóa, thẩm mỹ của ngôi chùa cổ kính, độc đáo này. Không chỉ chùa Bút Tháp mà hầu hết các điểm di tích lịch sử văn hóa ở Bắc Ninh hiện nay đều đang ở vào tình trạng thiếu hoặc không có hướng dẫn viên tại chỗ. Muốn tìm hiểu du khách chỉ còn cách hỏi người dân địa phương hoặc đọc trên bảng giới thiệu về di tích với những thông tin rất vắn tắt, mơ hồ.
 

Hướng dẫn viên đưa du khách thăm quan đền Đô (thị xã Từ Sơn).

 
 

Tại các đơn vị lữ hành, lực lượng hướng dẫn viên có đầy đủ trình độ chuyên môn và kiến thức về lịch sử văn hóa cũng rất khan hiếm. Ông Đào Văn Kiên, Giám đốc Công ty du lịch Thanh Niên cho biết: “Để thuyết minh về một di tích lịch sử văn hóa đòi hỏi người hướng dẫn viên phải có vốn kiến thức dày dặn và kinh nghiệm lâu năm. Thực tế, hầu hết hướng dẫn viên ở các công ty du lịch hiện nay đều còn trẻ, khả năng truyền đạt hạn chế. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng các tour du lịch bởi Bắc Ninh chủ yếu là văn hóa – loại hình du lịch mà du khách không thể cảm nhận bằng trực quan như các tài nguyên du lịch khác”.

Số lượng hướng dẫn viên đã khan hiếm nhưng những người theo đuổi công việc này lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì nghề nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thẻ, hướng dẫn viên chuyên trách tại xã Đình Tổ (huyện Thuận Thành) cho biết: “Sau một khóa tập huấn ngắn hạn, tôi được giao trách nhiệm trở thành hướng dẫn viên du lịch cộng đồng của xã. Ngoài những kiến thức, kỹ năng sơ lược thu được từ lớp học, khi bắt đầu công việc tôi không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về tài liệu hướng dẫn. Tôi phải tự mình mày mò sưu tầm, tổng hợp tài liệu, bổ sung kiến thức để truyền đạt tới du khách. Tuy nhiên phải làm gì, gặp ai, tiếp cận, xử lý, thẩm định tài liệu như thế nào thì quả thực không phải là điều dễ dàng với một người không có nghiệp vụ chuyên môn như tôi”.

Ngay cả khi đã có được “lưng vốn” kiến thức hòm hòm đủ để hành nghề thì những hướng dẫn viên cơ sở như chị Thẻ cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu của du khách. Cả xã Đình Tổ hiện chỉ có 2 hướng dẫn viên và đều kiêm nhiệm thêm công việc khác. Điều này có nghĩa là không phải lúc nào khách có nhu cầu cũng có thể gọi được hướng dẫn viên. Chị Thẻ giãi bày: “Dù rất tâm huyết nhưng thú thực không thể sống được bằng nghề này bởi lượng khách thiếu ổn định. Thêm vào đó, xã cũng không hề có hỗ trợ kinh phí nên mọi người chỉ coi hướng dẫn viên là nghề “tay trái”. Nhiều lần khách gọi điện liên hệ nhưng tôi đành phải từ chối vì bận công việc. Muốn đào tạo thêm vài hướng dẫn viên nữa nhưng rất khó bởi nghề này đòi hỏi nhiều sự tâm huyết, trách nhiệm trong khi thu nhập thì vô cùng bấp bênh”.

Thứ cần thiết nhất với những hướng dẫn viên du lịch tại chỗ như chị Thẻ chính là sự hỗ trợ cả về nghiệp vụ lẫn vật chất. Hầu hết hướng dẫn viên ở các điểm di tích lịch sử văn hóa hiện nay đều không chuyên, không qua trường lớp đào tạo. Họ đến với nghề hoàn toàn bằng sự đam mê. Ngay chính bản thân họ cũng mong muốn được nâng cao trình độ nghiệp vụ để truyền đạt tốt hơn đến du khách nhưng cơ hội để thực hiện điều đó không nhiều. Lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch ngắn hạn đã kết thúc từ cách đây gần 3 năm nhưng chị Thẻ vẫn chưa được dự thêm một lớp tập huấn nào khác. Thêm vào đó, công việc và gánh nặng gia đình khiến cho chị khó lòng toàn tâm toàn ý với công việc.

Câu chuyện của chị Thẻ cũng là câu chuyện chung của rất nhiều hướng dẫn viên tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay. Muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch trong tương lai thì có lẽ đã đến lúc ngành văn hóa cần phải có một sự quan tâm thích đáng hơn nữa về nguồn hướng dẫn viên du lịch tại chỗ. Thiếu đi cầu nối quan trọng này thì có lẽ những du khách khi đến với Bắc Ninh khó có thể hiểu được hết những vẻ đẹp, giá trị, tinh hoa trong các di sản văn hóa – hồn cốt của du lịch Bắc Ninh.

Linh Yên
Top