Xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Đình Định-một trong số ít hộ còn duy trì sản xuất, nhưng lao động chỉ còn 5-7 người.
Đơn đặt hàng không có, ít việc nên làm không đủ ăn, nhiều gia đình phải chuyển sang nghề khác. Ông Lê Đình Chính chia sẻ: "Trước kia gia đình cũng mở xưởng làm tre trúc, nhưng nay không làm nữa và quay trở lại với nghề nông. Lúc nông nhàn nếu có người thuê thì tôi mới làm thêm nhưng thu nhập rất thấp". Ông Nguyễn Đình Định, một trong những hộ vẫn duy trì sản xuất ở thời điểm này tâm sự: "Từ đời bố mẹ, ông bà đã gắn bó với nghề này rồi. Mà không chỉ gia đình tôi đâu, hầu như gia đình nào ở đây cũng đã từng làm các sản phẩm từ tre trúc để bán. Chỉ cách đây 3 - 4 năm thôi, lúc nào trong xưởng của tôi cũng có hàng chục lao động. Sản phẩm làm xong đến đâu là bán hết đến đấy. Còn giờ đây, để kiếm được một hợp đồng là rất vất vả. Vì thế, lao động thuê làm cũng không được ổn định, cao điểm chỉ 5 - 7 người, có lúc chỉ vài người. Còn lợi nhuận, trừ chi phí còn lại chẳng là bao. Cứ như thế này, những thế hệ sau chúng sẽ phải tìm kế sinh nhai mới, chỉ sợ một ngày nghề tre trúc mất dấu hẳn trên đất Xuân Lai."
Sản xuất thu hẹp, sản phẩm ế ẩm là một thách thức lớn với làng nghề Xuân Lai. Không ít gia đình đã có tới 2, 3 thế hệ làm nghề cũng phải từ bỏ nghề truyền thống để tìm nghề mới bảo đảm thu nhập hơn. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng thôn Nguyễn Đình Nghề thở dài: Sản phẩm của làng nghề trước kia chủ yếu xuất khẩu, nhưng mấy năm gần đây chuyển hẳn sang làm hàng nội địa. Vì giá hàng xuất khẩu thấp không đáp ứng được chi phí đầu vào. Hơn nữa, sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao, nhiều lô hàng xuất đi phải trả lại… Nhưng hiện tại, thị trường nội địa cũng bị thu hẹp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nghề không còn khả năng đem lại cuộc sống ổn định cho người làm nghề, nên người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống của địa phương. Thêm vào đó, xu hướng thoát ly nghề truyền thống hiện rất rõ ràng trong giới trẻ. Lớp trẻ ngày nay, ngoài những người học đại học thoát ly nghề thì số còn lại cũng đi làm ngành nghề khác ở khắp nơi. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu thì không lâu nữa số hộ theo nghề chỉ còn tính trên đầu ngón tay, nghề làm tre trúc truyền thống của Xuân Lai tương lai sẽ rất khó khăn".
Trước những thách thức mới, rõ ràng nghề truyền thống cũng cần phải có hướng đi mới, phù hợp hơn với thị trường. Bên cạnh nỗ lực của người dân, thiết nghĩ, để làng nghề truyền thống phát triển trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương trong công tác khuyến công ở các làng nghề; tăng cường các hỗ trợ về vốn, chính sách... Quan trọng nhất vẫn là việc tìm hướng đi để sản phẩm truyền thống có đầu ra ổn định.