Máy cấy trên đồng ruộng xã Phú Lương (huyện Lương Tài) cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2011, xã Phú Lương đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng mô hình cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy cho tới thu hoạch được thực hiện trong vụ mùa năm nay mới thực sự là điểm nhấn và bước đầu tạo ra một diện mạo mới cho vùng đất thuần nông, vốn còn gặp nhiều khó khăn này.
Anh Trần Văn Cường, thôn Thọ Ninh cho biết, gia đình anh có 1 mẫu ruộng, trước đây ruộng đất manh mún, thời gian cấy mất khoảng 1 tuần. Sau khi dồn điền đổi thửa và tham gia mô hình cơ giới hóa đồng bộ, đặc biệt là mô hình sử dụng mạ khay và máy cấy, thì chỉ trong 40 phút là cấy xong cả mẫu ruộng. Hiện tại, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt sẽ cao hơn và đồng đều giữa các trà lúa. Tới khi thu hoạch, gia đình anh dự định sẽ sử dụng máy gặt đập liên hợp, vì giá thành rẻ hơn cách làm thủ công mà lại không tốn nhiều công sức.
Theo ông Vũ Văn Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương, niềm vui của anh Cường cũng là sự phấn khởi chung của các hộ dân trong xã. Việc cơ giới hóa đồng bộ giúp cho các khâu trong sản xuất được tiến hành nhanh chóng, đúng khung thời vụ và giảm đáng kể chi phí sản xuất cũng như sức lao động của nông dân. Ứng dụng KHKT, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn, phát huy những ưu điểm của mô hình kinh tế tập thể, tạo đà cho chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chỉ tính riêng năng suất của một chiếc máy cấy đã tương đương với 30-35 lao động cấy thủ công. Giá thành cấy bằng máy lại rẻ hơn từ 50.000-70.000 đồng/sào và cho năng suất lúa ước tính tăng khoảng 10% so với cách làm thủ công nên mô hình được đông đảo bà con tham gia, hưởng ứng. Ông Nguyễn Văn Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Trước khi triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Lương, chúng tôi đã thực hiện thí điểm tại xã Mộ Đạo (Quế Võ) và mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt. Mục tiêu của chúng tôi là mỗi năm sẽ triển khai, nhân rộng mô hình ra một địa phương, và mỗi huyện sẽ có ít nhất một mô hình sản xuất. Việc đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất là một xu thế tất yếu của quá trình phát triển nông nghiệp, giúp người dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy lợi thế để tăng nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích”.
Có thể thấy, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và tăng cường liên kết dịch vụ ở xã Phú Lương đã góp phần giảm lao động ở lĩnh vực nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề, dịch vụ khác, từng bước tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, đời sống nhân dân được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.