khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 13/08/2013 - 08:22

Nghề sản xuất dây chun ở Đa Tiện

Nghề sản xuất dây chun ở thôn Đa Tiện (Xuân Lâm-Thuận Thành) đã có từ hơn 20 năm qua. Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn vươn ra cả thị trường nước ngoài. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là săm, lốp hỏng của phương tiện giao thông nhưng sản phẩm này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần làm "thay da, đổi thịt" đời sống kinh tế một làng quê.

Người mang nghề về làng

Về Đa Tiện vào một buổi chiều mưa tầm tã, đội ô cùng Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đặng Đình Tuấn đến thăm xưởng sản xuất dây chun của anh Nguyễn Minh Hải sinh năm 1969, người mà anh Tuấn gọi vui là "tổ nghề dây chun" của làng.

Ngay từ cổng vào, săm, lốp cũ chất từng đống, tầng tầng, lớp lớp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 3 tầng khang trang, anh Nguyễn Minh Hải xởi lởi, chân tình tâm sự với chúng tôi hành trình hơn 26 năm đến và gắn bó với nghề làm dây chun: "Năm 1987, khi học xong cấp 3 (THPT ngày nay), mình được một người bà con ở Hà Nội dạy cho nghề cắt dây chun. Học rồi tự làm, mua băng cao su đúc về tự cắt rồi mang đi bán". Nhấp chén chè nóng, anh cười và chia sẻ: "Những ngày đầu, nghề bán dây chun chưa phổ biến nên lúc đèo đi bán phải gói kín vì ngại các bạn ở làng trêu chọc. Hằng ngày, đầu mũ lá, đạp xe đạp đi bán hàng trong tỉnh, rồi lên Chũ (Bắc Giang), sang Việt Trì (Phú Thọ), Thái Nguyên… có hôm đi từ 3 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về đến nhà, có ngày phải đạp xe vài trăm cây số. Tuy vất vả nhưng có nghề và thu nhập cũng khá".
 

Săm, lốp cũ được nhân dân Đa Tiện thu mua để cắt thành dây chun.

 
 

Cần cù, chịu khó, tích cóp vài năm sau anh Hải đã "nâng đời" phương tiện bán hàng lên xe máy, lúc đầu là babetta rồi Honda 67. Những năm bôn ba ngược, xuôi vất vả đã giúp anh tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng kha khá nên sản xuất ngày càng được mở rộng. Đầu năm 1995, anh Hải bắt đầu chuyển sang cắt dây chun từ săm, lốp hỏng thải ra từ các hiệu sửa chữa ôtô, xe máy. Nguồn hàng nguyên liệu ngày một nhiều, anh trăn trở và tìm hướng đi mới cho nghề. Cuối năm 1995, anh bắt đầu sản xuất dây chun xuất khẩu sang Hà Lan, rồi Hàn Quốc (theo thông tin từ các bạn hàng, dây chun được dùng chủ yếu để buộc quanh các tấm tránh rét cho cây vào mùa đông và buộc hàng). Từ săm, lốp cũ để làm ra dây chun xuất khẩu phải qua nhiều công đoạn như: bổ săm, lốp, đưa vào máy cắt thành sợi, nối theo độ dài yêu cầu, mài nhẵn, ép chín, quấn thành cuộn, đóng đai. Trong các công đoạn trên, cắt và ép chín là dùng máy còn lại đều phải làm thủ công.

Hiện tại, anh Hải có một xưởng sản xuất và 2 kho chứa hàng. Tháng cao điểm, anh xuất bán sang các nước 100 tấn dây chun thành phẩm, tạo công ăn việc làm cho 40 đến 50 lao động, bình quân mỗi công nhân thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.

Hỏi về thu nhập, anh Hải chỉ cười rồi nói vui: "Hơn 20 năm qua, mình sống bằng nghề, tạo dựng sự nghiệp, giàu thì chưa, nhưng cũng "sống khỏe".

Kinh tế làng quê phát triển nhờ dây chun

Mưa đã tạnh, rời nhà anh Hải, dạo bước trên đường làng, nhìn những ngôi nhà 3 đến 4 tầng to, đẹp, khang trang, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Đặng Đình Tuấn chỉ tay tự hào nói: "Đều nhờ dây chun cả đấy! Hiện nay, toàn thôn có 33 xưởng sản xuất dây chun, thu hút hàng trăm nhân công trong và ngoài địa phương. Nguyên liệu là săm, lốp ôtô, xe máy, xe đạp cũ được thu mua từ khắp miền Bắc, một số bà con còn sang tận Trung Quốc gom hàng".

Hiện nay, sản phẩm dây chun của làng Đa Tiện ngoài loại đen mộc còn có dây chun dệt vải mầu bên ngoài. Đầu ra bên cạnh xuất khẩu thì mỗi ngày, hàng chục chuyến hàng chở bằng xe ô tô tải, xe máy đưa dây chun từ làng tỏa đi khắp các tỉnh miền Bắc bán buôn, bán lẻ, có người mang hàng theo xe khách lên Lào Cai, Yên Bái bán trong cả tuần lễ mới về.
 

Anh Nguyễn Minh Hải- người đầu tiên mang nghề làm dây chun về Đa Tiện.

 
 

Thôn Đa Tiện có 355 hộ, 1.414 nhân khẩu, toàn thôn có 700 người trong độ tuổi lao động. Tính trong 6 tháng đầu năm 2013, thôn Đa Tiện thu từ sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ và các ngành nghề khác đạt 5,46 tỷ đồng, chiếm 52% tổng sản phẩm xã hội thu được, thu hút 72% tổng số lao động của thôn tham gia. Toàn thôn có 33 xưởng sản xuất dây chun, 1 xưởng chế biến nhựa, 2 xưởng may, 1 xưởng sản xuất bông, băng, gạc và một số dịch vụ khác như vận tải, nhà trọ, hàng ăn, tạp hóa… Trong đó, đa phần các gia đình trong thôn đều có người tham gia thu mua săm lốp, sản xuất và buôn bán dây chun. Người đi thu mua săm, lốp cũ, người chuyên sản xuất, người chuyên bán hàng. Riêng trong sản xuất, lứa tuổi nào cũng có thể tham gia. Người trẻ bổ, cắt, nối, mài, ép chín, dệt dây chun bọc vải mầu, người già uốn móc, lồng móc vào dây, trẻ nhỏ đóng cuộn, sắp hàng. Lúc nông nhàn, bà con trong và ngoài thôn có thể tranh thủ kiếm thêm thu nhập.  

Có một điều khá đặc biệt ở nghề sản xuất dây chun là nguyên liệu được tận dụng triệt để. Lốp xe máy, xe ga còn dùng được đem bán làm lốp xe cải tiến, xe rùa chở vật liệu xây dựng. Van của săm bán cho làng nghề đúc đồng thuộc Đại Bái (Gia Bình), ti van bán lại cho nhà máy. 10 tấn săm, lốp cắt được 6 tấn dây chun, còn 4 tấn cao su vụn cũng bán được (theo bà con ở Đa Tiện cho biết cao su vụn được các thương lái Trung Quốc thu mua). Săm, lốp cũ mua trên dưới 10.000 đồng/kg thì cao su vụn cũng bán được 4.000 đồng/kg.    

Nghề sản xuất dây chun đã và đang có đóng góp quan trọng, tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân Đa Tiện. Cùng với phát triển kinh tế, Đa Tiện đạt danh hiệu làng văn hóa trong 3 năm qua, chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 2 năm liên tục. Chỉ tính trong 2 năm 2011 và 2012, toàn thôn có 154 học sinh giỏi các cấp, 36 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Bảo Anh - Đức Quý
Top