khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 14/08/2013 - 08:19

Bảo đảm năng suất và sản lượng cho lúa mùa

Những trận mưa liên tiếp vừa qua đã khiến cho một số diện tích lúa mùa trên chân ruộng trũng bị ngập úng, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển. Kèm theo đó là sự phát sinh của các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn... Trước thực tế đó, các ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp kịp thời phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất và sản lượng cho hơn 36.000ha lúa mùa.

Trong tháng 7, thời tiết có nắng-mưa xen kẽ đã tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, lúa sau cấy bén rễ hồi xanh nhanh, đẻ nhánh khỏe. Tuy nhiên, những đợt mưa liên tục từ cuối tháng 7 đến nay đã khiến cho hơn 1.330ha lúa mùa bị úng ngập tuy đã được bơm tiêu kịp thời song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các loài sâu bệnh phát sinh gây hại.

Trên diện tích lúa mùa gieo cấy trước ngày 5-7, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 gây hại nặng đối với những ruộng lúa xanh tốt, ven làng, ven hàng cây với mật độ phổ biến từ 5-6 con/m2, nơi cao từ 25-35 con/m2, cá biệt có nơi mật độ lên đến 50-100 con/m2. Mức độ và tỉ lệ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ tương đương so với cùng kỳ năm trước, các huyện Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành... là những nơi có mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao. Sâu đục thân hai chấm trưởng thành lứa 4 vũ hóa tập trung từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 có mật độ và tỉ lệ gây hại cao hơn cùng kỳ năm 2012, gây dảnh héo tại các trà lúa và gây bông bạc trên những diện tích lúa mùa trỗ bông cuối tháng 8, tập trung nhiều ở các địa phương Tiên Du, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh... các loại dịch hại khác như chuột, ốc bươu vàng, rầy, sâu đục thân hai chấm... cũng cần chú ý đề phòng. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền để bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và sử dụng thuốc phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng.

Ngay từ đầu vụ, các sở, ngành chức năng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân diệt chuột bảo vệ sản xuất. Một số địa phương trích ngân sách mua thuốc diệt chuột, thuốc diệt ốc bươu vàng, thuốc trừ rầy phát cho các HTX dịch vụ với số lượng hàng chục tấn các loại. Kết quả, diện tích được phòng trừ rầy, sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá trước khi nhổ cấy là 1.750ha; diện tích phòng trừ ốc bươu vàng bằng thuốc hóa học là 3.578ha, thu gom 55 tấn ốc và trứng ốc bươu vàng; bắt thủ công 13.000 con chuột...

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết sẽ có những diễn biến phức tạp. Từ nay đến tháng 9, lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn sắp tới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh như đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen... phát sinh gây hại. Do mưa nhiều nên khi phun thuốc trừ sâu bệnh các địa phương phải chú ý lách thời tiết, tránh để phun đi phun lại nhiều lần gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Cần chú ý với các đối tượng sâu bệnh như: rầy lứa 6, 7 và 8; sâu đục thân hai chấm lứa 4, lứa 5... Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng-mưa xen kẽ, độ ẩm cao, tạo môi trường để sâu bệnh phát sinh hại lúa. Vì vậy việc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại theo nguyên tắc 4 đúng là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm đảm bảo chất lượng và năng suất lúa mùa.
Việt Anh
Top