Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phát biểu tại hội nghị.
Dự
hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà
nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền; Phó Thủ tướng kiêm
Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoong-Lun Xi-Xu-Lit đã
đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện
các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và Lào có chung đường biên giới
và các Đội cắm mốc của hai nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ghi
nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của Ủy ban liên hợp cắm
mốc biên giới hai nước, các Bộ, ngành, địa phương hữu quan, các cán bộ
và nhân dân hai nước đã trực tiếp tham gia vào công tác cắm mốc trên
thực địa, đặc biệt là nỗ lực không mệt mỏi của các Đội Liên hợp cắm mốc
10 cặp tỉnh biên giới Việt Nam - Lào.
Đặc biệt, Việt Nam
và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, chung sống trên báo đảo Đông
Dương, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đường biên giới Việt -
Lào dài trên 2.067km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của
Lào. “Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa hai nước CHXHCN
Việt Nam và nước
CHDCND Lào” được ký kết vào ngày 18/7/1977 đã tạo cơ sở chính trị và
pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.
Lãnh đạo hai Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu tham dự hội nghị.
Thực
hiện Hiệp ước trong giai đoạn 1978-1987, hai bên đã cơ bản hoàn thành
công tác phân giới, cắm mốc quốc giới trên thực địa và giải quyết những
vấn đề phát sinh liên quan như chuyển giao đất, bàn giao dân và tài sản
giữa hai bên. Theo đó, đã cắm được 214 cột mốc tương ứng 199 vị trí cắm
mốc trong thời gian này.
Riêng từ năm 2008 đến hết tháng 7/2013, hai nước Việt Nam
- Lào đã phối hợp huy động trên 1.000 người, bao gồm cả lực lượng
thường xuyên và kiêm nhiệm, không kể đến hàng nghìn người khác thuộc lực
lượng thi công, xây dựng mốc. Theo đó, các lực lượng cắm mốc đã phải
thực hiện trên 8.000 lần tiếp cận vị trí mốc, làm hàng nghìn km đường
công vụ để vận chuyển trên 5.000 tấn nguyên vật liệu, san ủi, đào đắp
hành chục nghìn mét khối đất đá phục vụ thi công xây dựng mốc.
Sau 5 năm triển khai, đến nay, hai nước Việt Nam
- Lào đã chính thức hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên
giới trên thực địa với tổng số 792 vị trí tương ứng 834 cột mốc; ngoài
ra hai bên còn cắm bổ súng 29 cọc dấu tương ứng 27 vị trí cọc dấu. Việc
này, được đánh dấu bằng sự kiện khánh thành cột mốc đại số 460 tại cửa
khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bolykhamxay) tổ chức vào ngày
9/7/2013 vừa qua.
Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới Việt Nam
- Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết
phục cho việc hai bên đã giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ
sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính
đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp và thực
tiễn quốc tế, thể hiện đầy đủ về mối quan hệ truyền thống, hữu nghị,
đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Chỉ đạo công tác thời gian tới, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các
cơ quan, địa phương và các lực lượng liên quan của hai nước cần tiếp
tục phối hợp chặt chẽ quyết tâm hoàn thành phần việc còn lại của Dự án
tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014
theo đúng thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao hai nước; tăng cường hợp tác,
khẩn trương xây dựng và ký kết các văn bản pháp lý liên quan đến biên
giới như Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam -
Lào, Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới,
Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu để đáp ứng công tác quản lý biên
giới trong tình hình mới; triển khai thực hiện hiệu quả Thoả thuận cấp
Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không
giá thú trong vùng biên giới hai nước sau khi Thỏa thuận có hiệu lực.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoong-Lun Xi-Xu-Lit nhấn mạnh việc
hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa là
thắng lợi chung của hai nước Việt Nam - Lào, có ý nghĩa quan trọng về
chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy
việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát
triển, đáp ứng nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai
nước.