Sắp xếp bộ máy tinh gọn, xác định rõ vị trí việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng hệ thống chính trị thời gian tới.
Trong ảnh: Bộ phận “một cửa” liên thông hiện đại TP Bắc Ninh phục vụ ngày càng có hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân.
Trong quá trình triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X), Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế, tổ chức khối Đảng, MTTQ, và các đoàn thể chính trị - xã hội; triển khai việc xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của các cơ quan chuyên trách giúp việc Tỉnh ủy theo đúng quy định của Trung ương. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được sắp xếp, củng cố, tăng cường theo Điều lệ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.
Đối với tổ chức, bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp huyện, thị xã, thành phố được thực hiện theo đúng Nghị định của Chính phủ. Ở cấp tỉnh có 18 sở, ngành; cấp huyện có 12 phòng, cơ quan tương đương. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, tỉnh đã mở rộng địa giới hành chính và thành lập một số phường thuộc Thành phố Bắc Ninh; thành lập Thị xã Từ Sơn; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện, thị xã, thành phố đến các xã phường, thị trấn trong tỉnh.
Tính đến cuối năm 2012, thực hiện tinh giản biên chế, toàn tỉnh đã giải quyết cho hơn 400 đồng chí nghỉ công tác, hưởng chế độ theo Nghị định số 132/2007 và 67/2010 của Chính phủ với số tiền chi trả hơn 19 tỷ đồng. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức từng bước được nâng lên, với 64,06% đồng chí có trình độ chuyên môn Đại học trở lên, trong đó có 33 tiến sĩ và hơn 1000 thạc sĩ. Thực hiên tuyển dụng gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài.
Về hệ thống chính trị tại cơ sở, Bắc Ninh hiện có 126 xã, phường, thị trấn, tương ứng với 126 Đảng bộ cơ sở; toàn tỉnh hiện có 595 thôn, 127 tổ dân phố. Ở xã, hầu hết các thôn đều có chi bộ, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội phụ nữ, nông dân, CCB, chi đoàn thanh niên. Ở phường, mô hình tổ chức chi bộ và các đoàn thể nhân dân cơ bản thống nhất theo khu phố hoặc khu dân cư. Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên một bước. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng được quan tâm, chất lượng TCCS Đảng ngày càng thực chất, phát triển đảng viên hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm. Hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng có hiệu lực, hiệu quả; đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã có bộ phận “một cửa” nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị -xã hội tại cơ sở ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Nhìn lại quá trình xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, còn bộc lộ không ít hạn chế: Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa thực sự tinh gọn, việc thực hiện tinh giản biên chế chưa mạnh, hiệu quả mức độ. Cơ cấu đội ngũ và chất lượng cán bộ, công chức chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ. Việc sáp nhập, giải thể một số cơ quan dẫn đến tình trạng có lúc có biên chế nhưng lại thiếu cán bộ để làm việc, vì năng lực hạn chế. Một số cơ quan hành chính chưa thực hiện tốt việc thuê khoán, hợp đồng lao động. Số lượng biên chế có tăng do thành lập mới một số cơ quan nhưng cơ cấu cán bộ, công chức còn chưa phù hợp. Trình độ năng lực và ý thức trách nhiệm của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức chưa cao; cơ chế chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận hành của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở.
Sau khi quán triệt các Nghị quyết, kết luận Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư (khóa XI), Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất chương trình hành động. Đối với Kết luận “Một số vấn đề về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở”, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu: “ Xây dựng tổ chức, bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, lương và thu nhập bảo đảm cuộc sống”.
Đây là mục tiêu xuyên suốt, lâu dài nhằm xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh. Bên cạnh những nhiệm vụ giải pháp mang tính chiến lược, dài hạn, Tỉnh ủy xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xác định rõ vị trí việc làm, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong từng cơ quan, đơn vị; thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị, cán bộ trẻ có năng lực về công tác ở cấp xã; thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo; rà soát việc quản lý, sử dụng biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị; rà soát cơ chế hoạt động để sắp xếp lại và kiện toàn bộ máy, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế.
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã có lộ trình thời gian, phân công các cơ quan chuyên môn chủ trì thực hiện cụ thể. Với tinh thần chủ động, tích cực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị tin rằng chương trình hành động sớm được thực hiện, nhằm xây dựng tổ chức, bộ máy ngày càng vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH-HĐH.