khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 26/08/2013 - 09:01

Ứng dụng CNTT xây dựng cơ sở dữ liệu về đất canh tác phục vụ quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng đất đai phì nhiêu. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thổ nhưỡng tốt đã tạo điều kiện cho tỉnh phát triển các sản phẩm nông-lâm-thuỷ sản.

Tuy nông nghiệp không phải là ngành chiếm ưu thế song vẫn đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội nông thôn. Theo định hướng phát triển kinh tế đến năm 2015, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Vấn đề đặt ra là mặc dù tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế sẽ giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp/đơn vị diện tích canh tác vẫn cần phải tăng. Với tốc độ phát triển công nghiệp- đô thị như hiện nay thì dự báo đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của tỉnh chỉ còn gần 387 m2 (giảm 109 m2/người so với năm 2003).
 

Đất phù sa g-lây phù hợp cấy 2 vụ lúa/năm hoặc 2 lúa+1 màu vụ đông.

 
 

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm vẫn không ngừng tăng, do vậy việc quản lý, sử dụng đất canh tác một cách bài bản, khoa học là cần thiết, làm cơ sở phát huy tài nguyên đất đai, đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp cũng như các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì những lý do đó nên việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thông tin, dữ liệu đất canh tác để hỗ trợ việc ra các quyết định về sử dụng đất canh tác, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá là rất cần thiết.

Phát triển nông nghiệp hàng hoá, năng suất, chất lượng, hiệu quả bảo đảm an ninh lương thực, cung cấp sản phẩm cho các ngành công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của nhân dân luôn là mục tiêu quan trọng. Với quan điểm đó, những năm qua tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đồng bộ theo cả 3 hướng: Năng suất, cơ cấu sản phẩm, quy mô hàng hoá. Song để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hơn nữa phải cân đối lại quỹ đất nông nghiệp, nghiên cứu bố trí các phương án sử dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng.

Chẳng hạn với các nhóm đất chính (đất glây; đất phù sa có tầng biến đổi; đất loang lổ có tầng bạc trắng; đất xám; đất cát…) thì có khoảng hơn 36.000 ha phù hợp với cây lúa; 22.500 ha phù hợp với trồng ngô; 35.000 ha phù hợp để trồng hoa; hơn 27.000 ha thích hợp trồng khoai tây; 22.500 ha trồng đậu; 36.800 ha trồng cà chua… Các loại hình sử dụng đất cũng khá phong phú, cụ thể như loại hình sử dụng đất 2 lúa/năm; 1 lúa- 1màu (phù hợp với đất phù sa có tầng loang lổ; đất phù sa ít chua); 2 luá- 1 màu (đất phù sa chua, ít chua, đất loang lổ chua và có tầng bạc trắng, đất xám); 2 màu- 1 lúa (đất xám chua, cơ giới nhẹ và rất chua, đất phù sa chua và có tầng loang lổ, đất loang lổ); chuyên màu (đất phù sa chua ven sông)…
 

Đất phù sa chua ven sông phù hợp với trồng các loại cây rau màu.

 
 

Từ những đặc điểm, cấu trúc đất đai thì việc đề xuất cây trồng phù hợp với từng huyện, từng loại đất là rất quan trọng để bảo đảm được các yêu cầu như: Mức độ thích nghi của cây trồng với đất đai; các yếu tố khí hậu; định hướng phát triển kinh tế địa phương; tập quán canh tác; hiệu quả kinh tế.

Nếu như áp dụng phương pháp như trước đây là quản lý các cơ sở dữ liệu đất canh tác căn cứ theo sổ sách, bản đồ sẽ rất cồng kềnh, mất thời gian tra cứu, nhất là trong việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) với những khả năng phân tích và xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác đang được áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên và môi trường.

Toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu đất canh tác của toàn tỉnh được chuẩn hoá, lưu trữ quản lý bằng công nghệ chuyên dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) với phần mềm Atlas giúp cho thông tin đất canh tác (diện tích, vị trí, loại đất, cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả sử dụng…) được phân tích nhanh hơn nhiều lần so với phương pháp quản lý thông tin truyền thống. Phần mềm gồm các chức năng quản lý, lưu trữ các bản đồ số, hiển thị bản đồ số, chỉnh sửa và cập nhật nội dung bản đồ, tra cứu thông tin và cho phép quản lý thống nhất đầy đủ, nhanh chóng và khoa học các thông tin về tài nguyên đất canh tác trong toàn tỉnh.

Ứng dụng CNTT với phần mềm Atlas được xây dựng trên công nghệ GIS trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất canh tác, cho phép nhà quản lý nhanh chóng truy nhập tra cứu thông tin chính xác, làm cơ sở trong quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Đây còn là công cụ đắc lực trong việc giám sát quy hoạch, quản lý sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất… hỗ trợ cho công tác lãnh đạo, ra quyết định bố trí cơ cấu cây trồng và sử dụng đất canh tác có hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Thái Uyên
Top