khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 27/08/2013 - 09:00

Đệm lót sinh học giảm ô nhiễm cho chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi quy mô lớn đang là hướng đi cần thiết để nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng đàn vật nuôi, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi cũng trở nên bức xúc hơn. Vì vậy, các biện pháp sinh học trong xử lý chất thải đang được nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn quan tâm tìm hiểu.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài các công trình dự án khí sinh học xây bể chứa biogas, người dân vẫn chủ yếu sử dụng các biện pháp thủ công để xử lý chất thải và phần lớn trong số đó không bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, biện pháp sử dụng đệm lót sinh học đã áp dụng ở nhiều địa phương trong cả nước cho tác dụng rõ rệt trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi.
 

Công nhân thu gom chất thải đã xử lý tại trại chăn nuôi gà đẻ.

 
 

Theo các tài liệu khoa học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là phương pháp sử dụng vi khuẩn lên men có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại, tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm các khí độc và mùi hôi trong chuồng. Nguyên liệu được sử dụng làm đệm lót chuồng là mùn cưa, trấu trộn với men vi sinh khá đơn giản và áp dụng được cả với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bước vào khu vực chăn nuôi của Công ty TNHH MTV gà giống DABACO, cơ sở đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình đệm lót sinh học, chúng tôi ngỡ ngàng vì không khí mát mẻ, sạch sẽ khác hẳn so với các trang trại thông thường. Anh Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết, trước đây, lượng chất thải mỗi ngày của Công ty rất lớn, gây mùi khó chịu cho người dân sống xung quanh. Vì vậy, hàng ngày công nhân đều phải thu gom chất thải, rửa chuồng, kết hợp với việc sử dụng biogas... tốn thời gian mà việc xử lý môi trường vẫn chưa triệt để.

Từ 3 năm trở lại đây, toàn bộ 17 chuồng nuôi với khoảng 70.000 con gà các loại đã được áp dụng biện pháp xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học, nhờ thế, điều kiện môi trường chăn nuôi được nâng cao rõ rệt,

Tại chuồng chăn nuôi gà đẻ, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Tựu giải thích cho chúng tôi quy trình sử dụng đệm lót sinh học. Mặc dù theo hướng dẫn có thể sử dụng men trực tiếp nhưng chị Tựu cho rằng, để đạt được hiệu quả cao, nông dân nên ủ men trước khi rắc vào chuồng. Công thức ủ như sau: 1kg chế phẩm sinh học BALASA-N01 trộn đều với 3kg bột ngô hoặc cám gạo, thêm khoảng 2 lít nước sạch, cho vào túi hoặc thùng đậy kín và để chỗ ẩm ủ từ 1-2 ngày. Khi nào men có mùi hơi chua thì đem rắc đều lên toàn bộ bề mặt độn lót là một lớp trấu dày 5cm, với tỷ lệ 1kg men/32m2.

Sau một thời gian, phân chuồng được phân hủy, tơi xốp và khô ráo, nhờ vậy, cứ vài tháng các công nhân ở đây mới phải dọn chuồng một lần. Nếu bảo đảm điều kiện về độ ẩm và nhiệt độ, những các trang trại nuôi gà có thể hết một lứa mới phải thay mới lớp đệm lót. Sau khi bỏ đi, lớp đệm lót được thu gom và bán lại cho các hộ trồng na, cà phê, hồ tiêu… ở những vùng đồi núi để bón cây rất tốt. Được biết, từ khi áp dụng công nghệ này, đàn gà tại Công ty ít bị bệnh, sinh trưởng tốt, vì vậy chi phí cho chăn nuôi gà giảm được 10-15%.

Theo ông Nguyễn Mạnh Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, đệm lót sinh học là phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích như giảm công sức dọn dẹp chuồng trại, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh cho con vật, từ đó giảm chi phí đầu vào. Mặc dù vậy, hạn chế của phương pháp này là điều kiện nuôi phải tuân thủ kỹ thuật xây dựng chuồng trại, nếu không sẽ giảm tác dụng, đặc biệt là phải tránh nước mưa làm ướt đệm lót,... Tuy nhiên, với kinh phí đầu tư không nhiều, thực hiện trong thời gian ngắn, đệm lót sinh học là mô hình dễ làm và phù hợp với nhiều trang trại, giúp cho các trang trại chăn nuôi đạt được hiệu quả kinh tế cao mà vẫn giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Huyền Thương
Top