Que hương được phơi nắng nhiều ngày để hương cháy đạt chất lượng.
Ông Đào Khắc Nhất, có nhiều năm trong nghề cho biết: Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt thì khâu chọn lựa nguyên liệu phải cẩn thận. Nguyên liệu chính để làm ra hương đen gồm nhựa trám, than hoa mua trên Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Bước quan trọng nhất trong quá trình làm hương là khâu pha chế giữa nhựa trám và than hoa. Khi pha chế hai thứ trên đạt tiêu chuẩn sẽ cho vào máy nghiền thành bánh, cắt ra từng miếng hấp cách thủy rồi mới xe hương bằng tay.
Công đoạn xe hương tại gia đình ông Đào Khắc Nhất.
Hương đen làng Chóa Bến thường dùng thắp trong đình, chùa và thắp trong các gia đình vào ngày tết nên chỉ tiêu thụ nhiều trong hai tháng 11 và 12, vì vậy công việc làm hương diễn ra trong khoảng 4 tháng cuối năm. Từ tháng Bảy người dân sẽ chuẩn bị nguyên liệu để làm. Các công đoạn làm hương đen đều làm thủ công, mỗi mẻ hương làm xong sẽ được để hong khô trong nhà 10 ngày, thắp thử kiểm tra chất lượng hương rồi mới đem bán. Hương đen làng Chóa Bến có 4 loại: Loại to dài 1m, vừa 80cm, nhỏ 50cm và có loại dài 30cm.
Một số gia đình vẫn duy trì nghề làm hương với số lượng lớn như: Gia đình ông Đào Sỹ Bình, Đào Sỹ Mận, Ngô Bá Thành… Hương đen làng Chóa Bến được coi là nghề phụ trong làng, nhưng cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Một gia đình mỗi năm làm từ 10 nghìn đến 15 nghìn que hương trừ chi phí nguyên liệu lãi khoảng vài chục triệu đồng.
Những nén hương đen làng Chóa Bến có mặt ở nhiều nơi, đem lại sự ấm áp, linh thiêng cho mỗi gia đình. Những người làm hương đen làng Chóa Bến hôm nay đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống cha ông trong điều kiện còn những khó khăn nhất định.