Lễ hội truyền thống Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh)
Hàng năm, khi tiết thu dịu nhẹ tràn xuống thay thế cho những ngày hè oi nồng, ngột ngạt, người dân Thị Cầu lại náo nức chuẩn bị mở hội truyền thống. Các hoạt động lễ hội diễn ra ở một không gian rộng với cụm di tích đình, đền, chùa, nghè để tưởng nhớ đến những vị thần có công với dân với nước như: Cao Sơn, Minh Quý, Thánh Tam Giang, vợ chồng tướng Trần Lựu, thân mẫu thánh Gióng. Tục truyền, Thị Cầu mở hội từ ngày mồng 7 đến 16 tháng 8 âm lịch với nhiều nghi thức, phong tục cổ: tế lễ, rước kiệu, rước nước, hát thờ thần, hát Quan họ, hát Tuồng, thi thả chim bồ câu, thi nấu cỗ... Lễ hội Thị Cầu là một trong những hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của xứ Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay.
Độc đáo lễ hội rước nước chùa Phả Lại (Quế Võ)
Chùa Phả Lại xưa có tên gọi là chùa Chúc Thánh thuộc làng Phả Lại (xã Đức Long, Quế Võ) thờ Thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không - hai vị thiền sư có công lớn với vua Lý và tu ở chùa Phả Lại, sau khi mất, hai vị thiền sư được nhân dân tạc tượng thờ và tôn làm Thành hoàng làng.
Ngoài lễ hội vui xuân ngày 10 tháng 3 với các hội thi bắt vịt, ném pháo, thi nấu cơm thì ở Phả Lại còn có hội đền tháng Tám mở trong 3 ngày (từ ngày 13 đến Rằm tháng Tám) với nghi lễ rước nước được tiến hành uy nghiêm. Xưa kia, lễ rước nước được thực hiện với hàng trăm người tham gia với hàng chục chiếc thuyền có cờ trống rợp trời, âm thanh hùng tráng vang dậy cả vùng nước non Phả Lại. Người dân rước chóe sứ ở trong chùa đưa ra khúc sông mang tên Vực chuông - nơi truyền rằng quả chuông chùa thời Lý đã lăn xuống và chìm ở đó rồi múc nước vào chóe rước về để làm nước cúng thánh quanh năm. Trong lễ hội tháng Tám chùa Phả Lại còn tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, thi thổi kèn, đánh trống, thi kể lại sự tích Thánh tổ, hát chèo, múa rối nước…
Ngày nay, hội chùa Phả Lại tuy không còn kéo dài như xưa, một số trò chơi dân gian, nghi thức tế lễ đã được giảm bớt nhưng vẫn không kém phần trang nghiêm, đặc sắc. Vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm, du khách thập phương vẫn tấp nập trảy hội chùa Phả Lại theo cả đường thủy và đường bộ. Sau đó, sang Hải Dương trảy hội đền Kiếp Bạc cũng là một lễ hội lớn ở vùng Lục Đầu giang. Chùa Phả Lại đã được nhân dân góp sức trùng tu tôn tạo và lễ hội rước nước ở đây cũng là một trong số các di sản văn hóa phi vật thể được UBND tỉnh đề nghị Cục di sản văn hóa xem xét trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trảy hội chùa Dạm (
Men theo sườn núi trẩy hội chùa Dạm, du khách như thoát khỏi thế giới trần tục, hòa nhập vào cõi Phật linh thiêng trong một phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ hội đủ núi non, suối sông, ao hồ với đồng bằng phì nhiêu cò bay thẳng cánh. Lễ hội chùa Dạm chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Chùa Dạm được khởi dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông là một “ngôi chùa hoàng gia” với kiến trúc đồ sộ, nguy nga-nơi các vua Lý thường xuyên đến nghỉ ngơi, du ngoạn và trở thành một trung tâm tín ngưỡng được xếp vào hàng đại danh lam thời Lý. Mặc dù chùa Dạm hiện chỉ còn lại dấu tích khảo cổ trong lòng đất ở 4 cấp nền nhưng với những dấu ấn lịch sử, văn hóa quan trọng, chùa Dạm đã và đang được tỉnh Bắc Ninh cũng như các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đầu tư, nghiên cứu để trùng tu, tôn tạo và phục dựng xứng tầm di sản văn hóa cấp Quốc gia.
Lễ hội chùa Dạm (từ ngày 7-9 đến 9-9 âm lịch) hàng năm vẫn thu hút đông đảo tăng ni phật tử cũng như các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền đất nước về lễ phật, trẩy hội và tìm hiểu những giá trị văn hóa lịch sử cổ xưa.
Có thể thấy, ngoài một số lễ hội tiêu biểu nói trên, Bắc Ninh còn có những hội làng truyền thống khác vào các tháng 8 và 9 âm lịch như: hội hát trống quân ở các làng vùng Thuận Thành mà câu ca dân gian còn truyền: “Tháng tám anh đi chơi xuân/ Ở đây có hội trống quân anh vào”; lễ hội giỗ tổ nghề đúc đồng ngày 23-8 ở Quảng Bố (Quảng Phú, Lương Tài); hội làng Đại Bái (xã Đại Bái, Gia Bình) vào ngày 29-9; lễ hội làng Long Khám (Việt Đoàn, Tiên Du) tưởng nhớ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (ngày 20-8)...
Đến với những lễ hội truyền thống mùa thu ở đất Bắc Ninh - Kinh Bắc là dịp để du khách tri ân những bậc tiền nhân có công khai khẩn, bảo vệ xóm làng, quê hương, đất nước và khám phá những trầm tích văn hóa, huyền thoại, chuyện kể qua từng nghi thức tế lễ, diễn xướng dân gian vẫn được người dân các địa phương bảo lưu, truyền giữ.