khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 06/09/2013 - 14:18

Khoảng cách từ mô hình đến thực tiễn

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp những năm qua đã làm tăng giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất canh tác. Thế nhưng việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả đến nhiều địa phương, nhiều hộ nông dân, giúp họ có thu nhập cao sau khi áp dụng khoa học công nghệ dường như vẫn còn là tương lai khá xa.

Những mô hình “hái ra tiền”...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới được sửa sang khang trang, ông Nguyễn Văn Cương, thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, niềm nở nói: “Cũng nhờ trồng hoa ly theo hướng công nghệ cao, tôi mới có thể sửa lại căn nhà mới. Ở vùng đất này, nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng lúa không biết bao giờ mới khá lên được”.

Năm 2010, được sự giới thiệu của Viện Nghiên cứu Rau quả TW về mô hình trồng hoa ly cao cấp cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng cà rốt hay trồng lúa, ông quyết định vay mượn vốn để đầu tư xây dựng nhà lưới đồng hoa ly. Với diện tích 1 sào tại vườn nhà, ông mua 3000 củ hoa ly về trồng và may mắn thay, thời tiết thuận lợi nên vụ hoa đầu tiên đã mang về cho ông 30 triệu đồng tiền lãi.

Năm 2011, ông đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ để trở thành mô hình điểm của huyện Gia Bình thực hiện dự án Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa trong nhà lưới. Ông mở rộng diện tích trồng hoa lên 2 sào, mật độ hoa dày hơn với khoảng 7.000-8.000 cây/sào, và được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật từ cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc… Hai năm qua, sau khi trừ hết các chi phí, ông đều đặn thu về từ 150-200 triệu đồng/năm, một khoản thu nhập mơ ước của nhiều nông dân. Vì vậy, ông Cương dự định sẽ thử nghiệm thêm một số loại rau hoa có giá trị kinh tế cao khác.
 

Mô hình sản xuất lan hồ điệp tại Công ty Cửu Long, Từ Sơn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

 
 

Hiện nay, dự án Áp dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hoa trong nhà lưới đã được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai tại mỗi huyện, thị, thành phố một mô hình điểm. Các mô hình đều cho thu nhập trung bình vài trăm triệu đồng/năm, cá biệt gia đình bà Đỗ Thị Mơ, ở xã Phú Lâm (Tiên Du) có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm nhờ việc sản xuất hoa lan thương phẩm. Với mong muốn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu những rủi ro do thời tiết, kiểm soát được dịch bệnh, tăng năng suất, giá trị cho cây trồng vật nuôi, riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai mới 10 đề tài/dự án, trong lĩnh vực nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật cho hàng ngàn lượt nông dân.

Thông qua các lớp tập huấn đã chuyển giao hơn 40 quy trình kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, như quy trình thâm canh tổng hợp lúa lai, lúa cao sản, quy trình sản xuất các giống lúa mới NB-01, T423, DTE-3…,  quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, nhân giống và sản xuất thương phẩm một số giống lan Hoàng Thảo lai, lan Hồ Điệp, qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Nhưng chưa lan tỏa tới thực tiễn

Hiệu quả là như vậy nhưng những năm qua, các mô hình có giá trị này chưa thể mở rộng đại trà tới các hộ nông dân ngoài chương trình đề tài, dự án. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định: “Để ứng dụng được công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần 2 yếu tố chính là vốn và kỹ thuật, trong khi, cả 2 điều này đối với đa phần nông dân đều rất khó”. Thực tế, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một cơ sở hạ tầng hiện đại hơn so với cách làm thủ công, vì vậy đầu tư ban đầu cho mỗi mô hình lên đến vài trăm triệu. Chẳng hạn với một mô hình trồng hoa ly, nông dân phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng cho việc xây dựng nhà lưới và mua giống. Thế nhưng, những loại rau, hoa này lại đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật, từ cách tưới nước, bón phân, đến việc điều chỉnh nhiệt độ phù hợp, chữa trị khi cây gặp bệnh…

Ông Cương cho biết, mỗi ngày đều phải thăm vườn hoa, ghi chép cẩn thận từng ngày và so sánh năm này qua năm khác. Qua đó, ông mới có thể tính toán thời gian để xuống giống, kích hoa nở đúng vào dịp Tết. Vì vậy, nhiều người đến thăm quan mô hình của ông Cương, hay của bà Mơ đã rất mong muốn thực hiện nhưng chưa thể triển khai.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần phải gắn với đầu ra ổn định. Việc nhân rộng trồng rau an toàn ở Hòa Đình, phường Võ Cường (Thành phố Bắc Ninh) là một thực tế. Mặc dù sản xuất không phức tạp nhưng với giá thành cao, rau an toàn của hàng chục hộ thuộc HTX rau Hòa Đình gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Ông Nguyễn Văn Tỵ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Võ Cường chia sẻ: “Biết là trồng rau theo hình thức an toàn có nhiều điểm lợi, nhưng các hộ  nông dân không đủ vốn để duy trì đến khi có lãi, vì vậy chỉ thời gian ngắn sau khi triển khai, họ đã bỏ quy trình sản xuất rau an toàn để trở lại canh tác theo lối cũ”.

Thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, UBND tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2015, giá trị nông, lâm, thủy sản đạt tăng từ 1,7-2%/năm, giá trị trồng trọt trên 1 ha canh tác đạt trên 95 triệu đồng/năm. Vì vậy, việc tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là điều hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, ngành khoa học và công nghệ, ngành nông nghiệp cần bám sát thực tiễn để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học phù hợp. Đồng thời, mỗi địa phương cần có sự quan tâm và đầu tư thích đáng để việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ là những mô hình điểm.

Bài, ảnh: Huyền Thương
Top