Không gian diễn xướng Quan họ truyền thống của các liền anh, liền chị Khúc Toại xưa là ở Cầu Chọi và đi thuyền trên sông Ngũ Huyện Khê.
Những câu Quan họ mang phong cách đặc trưng riêng của Khúc Toại như: “Thú giải phiền”, “Xuôi về”, “Cắp nón đón đò”… trong đó tác giả bài “Thú giải phiền” vẫn được ghi nhớ do cụ Phạm Văn Thà sáng tác. Nói đến Quan họ Khúc Toại là phải kể đến những nghệ nhân vừa tài ba, mẫu mực trong nghề chơi vừa tận tâm, tận lực truyền dạy bài bản và lối chơi Quan họ cho các thế hệ sau như: Cụ Phạm Văn Thà, Nguyễn Văn Son, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Đáp, Ngô Thị Xa… Lớp nghệ sỹ đầu tiên ở Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trước đây cũng được các nghệ nhân Quan họ ở Khúc Toại truyền dạy.
Liền anh Phạm Tiến Cường, Chủ nhiệm CLB Quan họ làng Khúc Toại tâm sự: “Tuy là con trai của cố nghệ nhân Quan họ Phạm Văn Kiên nhưng ban đầu tôi không biết hát Quan họ, chỉ đến khi thấy bố truyền dạy cho một số nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn Dân ca Quan họ như chị hai Phức, chị Ngải, Khánh Hạ thì tôi cũng mới bắt đầu học theo và tình yêu với Quan họ cứ lớn dần theo từng câu hát. Sau nhiều năm tháng gắn bó với nghề chơi Quan họ, tôi nhận thấy Quan họ bạn yêu mến, quý trọng sự mẫu mực, lịch lãm của Quan họ Khúc Toại không chỉ bởi lối hát, lối chơi mà còn trong cách giao tiếp, ứng xử chân thành, chất phác. Còn nhớ, có lần sang giao lưu ở hội Thổ Hà (Bắc Giang), khi liền anh, liền chị Khúc Toại cất tiếng hát, du khách trẩy hội đã đến nghe rất đông và cảm kích, thướng một nón tiền đầy. Nhưng giã hội, liền anh, liền chị Khúc Toại mang toàn bộ số tiền thướng đó công đức vào chùa…”
Tiếp nối truyền thống quê hương, các thế hệ liền anh liền chị Quan họ Khúc Toại sau này vẫn thường xuyên luyện tập, tích lũy vốn liếng Quan họ, mở rộng giao lưu với các CLB Quan họ trong vùng. Hiện, CLB Quan họ Khúc Toại có 34 thành viên với đủ độ tuổi từ 12 đến 70 tuổi và sinh hoạt sôi nổi, đều đặn vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Dù không có sự hỗ trợ về kinh phí hoạt động, song CLB đã tự đóng góp, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân cũng như các sự kiện, nhiệm vụ của thôn xóm và duy trì các lớp truyền dạy Quan họ trong cộng đồng. Đặc biệt, CLB thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ, mở canh hát đối đáp, giao lưu với nhiều CLB Quan họ ở khắp nơi chứ không bó hẹp như xưa. Liền chị Nguyễn Thị Thanh Hảo (thành viên CLB Quan họ Khúc Toại) chia sẻ: Mặc dù có nhiều đổi mới, cải biên về nghệ thuật biểu diễn, ca hát để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng hiện đại song từng thành viên của CLB vẫn bảo nhau phải giữ cho được sự lịch lãm, trẻ trung của Quan họ làng Chọi.
Người dân ở đây không chỉ tự hào với truyền thống quý báu của một làng Quan họ gốc mà còn rất mê Quan họ. Nhiều người không biết hát Quan họ, không tham gia CLB nhưng họ vẫn vun xới, hỗ trợ cho các hoạt động ca hát Quan họ bằng những tình cảm chân thành, sâu sắc. Chính điều này tạo nên nét đẹp, phong cách chơi Quan họ đặc trưng của làng Chọi để mỗi khi có dịp, liền anh, liền chị Khúc Toại lại được đón tiếp Quan họ bạn tới chung vui, cùng cất lên những câu hát ân tình, ân nghĩa…