NỖI RỪNG
Trắng xơ mưa lá về đâu
Rễ oằn oại nổi về đâu cội nguồn
Ào ào lũ dốc kiệt nguồn
Lấy ai ấp ủ nỗi buồn vào đông.
Tôi giờ sông cạn vào đông
Lơ ngơ vũng đục nghẹn dòng về em
Hoắm đôi bờ, sụt lở thêm
Vỗ trên váng nước không yên nỗi rừng.
Mắt khô dòng lệ rưng rưng
Tuổi mình thì gánh nỗi rừng nỗi sông
Nỗi sông se thắt nỗi đồng
Tuổi con cháu liệu gánh gồng nỗi chi?
Yêu nhau giúp được nhau gì
Hay vừa nhinh nhỉnh mình đi lấy chồng
Bỏ cho sông chả thành sông
Phần rừng trốc gốc chất chồng mặc ai!
Anh Vũ
(Rút trong tập “Gốc Còn”, NXB Thanh niên)
Tám câu thơ đầu của bài thơ là một bức tranh ngổn ngang, đáng sợ về những cánh rừng, dòng sông bị mưa lũ tàn phá. Mưa rừng vốn dữ dội: “Trắng xơ mưa lá”, “ào ào lũ dốc”... dẫn tới hậu quả tại chỗ là rừng bị “kiệt nguồn”, cây rừng trốc gốc và trơ rễ “Rễ oằn oại nổi”. Nhưng điều đáng sợ hơn là hậu quả của nó:
Hoắm đôi bờ sụt lở thêm
Vỗ trên váng nước không yên nỗi rừng
Một bức tranh đầy sức cảnh báo về tác hại của mưa rừng, lũ rừng. Chính vì rừng đầu nguồn đang bị tàn phá mà mưa lũ của rừng xanh mới khủng khiếp như thế. Lũ quét ở thượng nguồn, lụt lội ven những dòng sông. Và do bị “kiệt nguồn” nên vào mùa đông những con sông cạn nước. Không có nước để cày cấy, không có nước để làm thủy điện. Nạn phá rừng không chỉ gây hậu quả nặng nề trước mắt cho thiên nhiên, cho con người mà nó còn để lại những di chứng lan rộng và lâu dài. Đó là thông điệp thứ nhất của bài thơ.
Người ta vẫn thường so sánh đời người với đời cây. Con người và rừng cây đều cần phải được chăm sóc và bảo vệ. Nỗi rừng của Anh Vũ không chỉ phản ánh về tình trạng “kiệt nguồn” của rừng núi Việt Nam mà còn dự báo xa về di họa của nó đối với con người.
Nếu rừng đầu nguồn bị tàn phá, con người sẽ giống như một dòng sông vừa bị cạn nước vừa sụt lở. Từ nỗi đau của rừng đến nỗi đau của sông và tiếp nữa là nỗi đau của những cánh đồng. Hậu quả khắc nghiệt đó sẽ trút lên đầu con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác:
Nỗi sông se thắt nỗi đồng
Tuổi con cháu liệu gánh gồng nỗi chi?
Với thông điệp thứ hai này, Nỗi rừng đã trở nên nhức nhối. Nó cảnh báo chúng ta đừng vì lợi ích cục bộ, trước mắt mà quên đi những di họa lâu dài. Nhà thơ tiếp tục phê phán gay gắt thái độ vô trách nhiệm đối với cây rừng: “Bỏ cho sông chả thành sông/Phần rừng trốc gốc chất chồng mặc ai!”. Và ông cũng lên án sự bạc bẽo của con người đối với tự nhiên, đối với cộng đồng: “Yêu nhau giúp được nhau gì /Hay vừa nhinh nhỉnh mình đi lấy chồng/Bỏ cho sông chả thành sông...”. Sự đa nghĩa của bài thơ khiến cho “Nỗi rừng” có sức ám ảnh vừa xa vừa sâu. Nó chính là nỗi lòng của nhà thơ trước bao nhiêu hiểm họa ngang trái giữa cuộc đời này.