Xác định tầm quan trọng của vấn đề ATVSTP đối với xã hội,
những năm qua, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo ATVSTP tăng cường chỉ đạo các cơ
quan hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện
ATVSTP; kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn
uống, bếp ăn tập thể trong việc giữ gìn vệ sinh thực phẩm; vận động người dân
thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn; xử lý kịp
thời khi có các vụ ngộ độc xảy ra…
Đoàn kiểm tra ATVSTP của tỉnh kiểm tra một cơ sở sản xuất
giò, chả tại thị trấn Phố Mới (Quế Võ) năm 2012.
6 tháng đầu năm, các cấp, ngành hữu quan đã mở được hơn 28
lớp tập huấn về ATVSTP cho hơn 1.408 lượt người; tổ chức 8 buổi nói chuyện cho
424 người; phát hành hằng trăm đĩa CD, DVD, hơn 4.400 tờ gấp, tờ rơi… có nội
dung liên quan đến ATVSTP. Ban chỉ đạo các cấp cũng thành lập các đoàn tiến
hành kiểm tra thường xuyên công tác ATVSTP trên địa bàn, nhất là vào các dịp
Tết Nguyên đán, tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tại
các lễ hội, sự kiện lớn…
Mặc dù các cấp, các ngành đã tích cực triển khai nhiều hoạt
động, nhưng vẫn có nhiều đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy định về ATVSTP. Qua
kiểm tra trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát hiện 1.184 cơ sở có vi phạm
an toàn vệ sinh thực phẩm, đã cảnh cáo 89 cơ sở, đề nghị hủy, loại sản phẩm đối
với 24 cơ sở sản xuất; phạt hành chính hàng chục cơ sở với số tiền hơn 37 triệu
đồng.
Trên địa bàn vẫn để xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm. Trong
các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận thì hầu hết xảy ra trong cộng đồng khi
người dân tổ chức tập trung ăn uống hoặc gia đình có việc cưới, việc tang. Mới
đây nhất, ngày 2-9 tại thôn tại thôn Giới Tế (xã Phú Lâm, Tiên Du) đã xảy ra vụ
ngộ độc thực phẩm làm 27 người phải nhập viện, khoảng 30 người được điều trị
tại Trạm y tế xã và tại nhà. Hay vụ ngộ độc tại gia đình ông Nguyễn Bá Thiện xã
Bình Định (Lương Tài) ngày 2-6. Trong số 8 người người ăn có 6 người bị ngộ
độc, 5 người phải nhập viện. Không chỉ xảy ra ở cộng đồng, ngộ độc xảy ra ở bếp
ăn tập thể, như trường hợp tại công ty Sung Woo Vina (Thuận Thành). Trong bữa
ăn đêm ngày 18-3-2013 có có 262 người ăn thì có 11 người bị ngộ độc và phải
nhập viện. Mặc dù các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa
bàn tỉnh không nhiều, chưa có người tử vong, song đã gây thiệt hại về kinh tế,
tâm lý hoang mang lo lắng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bị ngộ độc.
Qua một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn có thể
thấy rằng nhiều tập thể, người dân nhận thức chưa đúng đắn về công tác ATVSTP.
Trong chế biến thực phẩm thường ngày hoặc chế biến thực phẩm trong bếp ăn tập
thể, trong đám ma, đám cưới, bữa ăn đông người… vẫn chưa tuân thủ những qui
định ATVSTP như không bảo đảm cơ sở vật chất; không được trang bị đầy đủ kiến
thức an toàn vệ sinh thực phẩm; chưa quan tâm đến nguồn cung cấp thực phẩm; bảo
quản thực phẩm không đúng qui định… Bên cạnh đó, trong xã hội vẫn còn những
người vì lợi ích cá nhân, bất chấp thủ đoạn để sản xuất, buôn bán thực phẩm
không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn” hay dùng thuốc kích thích, tăng trọng vượt
mức cho phép để tăng nắng suất cây trồng, vật nuôi.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp, các ngành hữu quan, đặc biệt Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP cần tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với vấn đề ATVSTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm nhất là trong các dịp lễ, tết, hội hè, đình đám, các bếp ăn tập thể, gia đình có việc tang, việc cưới; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, nơi cung cấp thực phẩm. Đối với mỗi người, mỗi nhà cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe của chính mình.