khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 20/09/2013 - 08:54

Cải thiện chất lượng môi trường làng nghề Vọng Nguyệt

Thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong) vốn nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa, lúc cao điểm cả thôn có khoảng 400/850 hộ tham gia làm nghề. Bên cạnh sự phát triển của làng nghề cũng kéo theo một số mặt trái, trong đó đáng quan tâm nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải trong quá trình sản xuất thường bị xả trực tiếp ra hệ thống cống, rãnh thoát nước đã cũ kỹ từ nhiều năm trước.

Nhờ có hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng đồng bộ, môi trường làng nghề Vọng Nguyệt đã được cải thiện.


Có dịp đến làng nghề Vọng Nguyệt vài năm về trước, chúng tôi được tận mắt chứng kiến nước thải từ quá trình kéo kén đổ tràn lan ra hệ thống cống rãnh cũ nát gây nên cảnh úng ngập cục bộ trong thôn. Lúc cao điểm cả thôn có khoảng 400 cơ sở, hộ gia đình làm nghề ươm tơ dệt lụa, mỗi ngày xả ra hệ thống rãnh thoát nước của địa phương từ 400-500m3 nước thải.

Phát huy lợi thế nằm ven đê sông Cầu, chăn nuôi của các hộ dân trong thôn cũng được chú trọng, phát triển với số lượng đàn bò, lợn lên đến hàng nghìn con. Tuy nhiên do đất chật, người đông, không thực hiện quy hoạch đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư nên lượng chất thải từ chăn nuôi đều xả trực tiếp ra môi trường, không được tiêu thoát kịp thời cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ năm 2005 lãnh đạo địa phương đề xuất UBND xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Sở Nông nghiệp & PTNT, trực tiếp là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bắc Ninh triển khai dự án xử lý vệ sinh môi trường nông thôn ở đây. Sau thời gian khảo sát, thẩm định, đầu năm 2009, dự án được triển khai thi công với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80%, vốn đối ứng của địa phương 20%. Thôn đã xây dựng 17 tuyến rãnh thoát nước mưa và nước thải với tổng chiều dài 2.031m, mặt cắt rãnh hình chữ nhật rộng 40-50 cm, cao 60-80 cm, trên có nắp đậy bằng bê tông; đào lắp 2 hồ sinh học thể tích 4.000m3, lưu lượng tiếp nhận xấp xỉ 1.800m3/ngày/đêm để xử lý theo phương pháp lắng lọc nước thu được từ rãnh thoát sau đó mới đổ ra môi trường.

Theo dự án, 100% số hộ trong thôn được đầu tư mua thùng đựng rác thải rắn, được tập huấn phân loại rác vô cơ, hữu cơ, xây dựng trước khi tiến hành thu gom, tập kết để xử lý. Đến nay đã hạn chế khoảng 90% tình trạng ô nhiễm môi trường, sức khoẻ người dân ngày càng được nâng cao và theo đánh giá của Trạm Y tế xã, tỷ lệ người dân mắc các bệnh liên quan nguồn nước, vệ sinh môi trường như tiêu chảy, ngoài da, đau mắt hột ngày càng giảm.

Về Vọng Nguyệt hôm nay có thể dễ dàng cảm nhận môi trường làng nghề đã được cải thiện đáng kể. Không còn cảnh nước thải chảy tràn ra mà thay vào đó là những con đường bê tông với hệ thống rãnh thoát nước được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp. Cùng với các công trình điện, đường, trường, trạm… dự án xử lý vệ sinh môi trường nông thôn Vọng Nguyệt đã góp phần tạo nên bộ mặt khang trang, hiện đại của một vùng quê đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuấn
Top