khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 20/09/2013 - 09:07

Em là cây Ngải đắng

“…Em là cây Ngải đắng/ Mọc trên triền núi vắng/ Góp vị thuốc cho đời/ Tiếng em hát người ơi/ Người thân nhau mãi mãi…” là một khổ trong bài thơ “Người ơi, người ở” của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết tặng nghệ sỹ Lệ Ngải một người con gái Bắc Ninh sau lần được nghe chị hát Dân ca Quan họ tại mặt trận Xavanakhet (CHDCND Lào) trong chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971. Hơn 40 năm trôi qua, nữ văn công miền Quan họ ở chiến trường năm ấy giờ đã lên chức bà và mới đây được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Song những kỷ niệm về “thời hoa lửa” vẫn luôn khiến nữ nghệ sỹ Quan họ Lệ Ngải bồi hồi, xúc động mỗi khi ai đó nhắc nhớ.

NSƯ T Lệ Ngải.


Nhớ một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Năm 1970, nghệ sỹ Lệ Ngải là một trong 14 người của Đoàn văn công xung kích tỉnh Hà Bắc được cử vào Tây Nguyên biểu diễn phục vụ Trung đoàn Nguyễn Văn Cừ (Sư đoàn 470). Trên đường vào Nam, đoàn văn công Hà Bắc hễ gặp bộ đội ở đâu là ca hát, biểu diễn văn nghệ phục vụ ở đó.

Đúng dịp Tết năm 1971, Đoàn dừng chân ăn Tết ở một binh trạm bộ đội trên đất Xavanakhet của Lào, nghệ sỹ Lệ Ngải đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật và được anh mời đến Cục chính trị để hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho bộ đội nghe. Sau khi nghe Lệ Ngải hát xong bài dân ca Quan họ “Gọi đò” và “Xe chỉ luồn kim”, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã hẹn cô gái Quan họ sáng mai gặp lại sẽ tặng một bài thơ. Nhưng ngay đêm hôm ấy, đoàn văn công lại phải lên đường và đến vài năm sau, Lệ Ngải mới đọc được bài thơ “Người ơi, người ở” mà Phạm Tiến Duật viết về mình được đăng trên báo Quân đội nhân dân. Nhờ bài thơ này mà sau đó Lệ Ngải đã gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông đến chơi nhà Đỗ Chu ở Bắc Ninh.

Đi qua 62 mùa xuân và nếm trải biết bao thăng trầm trong cuộc sống nhưng kỷ niệm về một thời “tiếng hát át tiếng bom” trong những năm tháng chiến tranh đầy khói lửa vẫn luôn khiến NSƯT Lệ Ngải bồi hồi, xúc động. Chị kể: “Tôi đã biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu ở chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1970-1971 rồi đến chiến dịch Biên giới phía Bắc năm 1979. Giữa trận mạc, ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh nhưng người ra trận luôn cảm thấy vững lòng mỗi khi nghe thấy những làn điệu dân ca ngọt mượt, ngân nga. Có buổi sáng vừa hát một câu Quan họ tiễn nhau xung trận nhưng đến chiều chỉ nhận về ba lô. Đau đớn, ngậm ngùi tiếc thương đồng đội nhưng ai cũng lạc quan”.

Cũng trên đỉnh Trường Sơn năm ấy, Lệ Ngải đã gặp lại người yêu cũ, chính là người chồng của chị bây giờ. Vẫn ngập tràn xúc cảm, NSƯT Lệ Ngải nhớ lại: Cảm giác lúc đó không thể nào diễn tả nổi. Lần đó, đoàn chúng tôi đang hành quân thì bị quân địch phục kích nhưng có một trung đội bộ binh của ta kịp thời đến cứu và đưa đoàn về trạm an toàn. Trong lúc còn chưa hết hoảng loạn thì tôi nghe thấy có người gọi Ngải ơi...Ngải ơi... Nghe giọng thì đúng là người làng Ngang Nội. Cứ thế tôi ôm lấy chị Phương Lan hét lên sung sướng, chị ơi, em gặp người làng mình rồi! Ai ngờ đó lại chính là người yêu của mình. Cả hai đã khóc vì sung sướng. Chúng tôi được gặp nhau vài tiếng, sau đó anh ấy trở ra vì bị thương còn tôi lại tiếp tục theo đoàn văn công vào trong”. Đó là kỷ niệm ngọt ngào nhất mà vợ chồng Lệ Ngải suốt đời chẳng thể nào quên.

Sắt son một tình yêu Quan họ

NSƯT Lệ Ngải tên thật là Nguyễn Thị Ngải, con gái của nghệ nhân Quan họ Nguyễn Đức Sôi - một trong những người đầu tiên tâm huyết và nỗ lực đặt những viên gạch nền móng cho Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Vốn con nhà nòi Quan họ lại được sinh ra và lớn lên ở làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du) - một làng Quan họ gốc và cũng là một làng chèo cổ, vì vậy dòng máu chảy trong người NSƯT Lệ Ngải đã quấn quện với những làn điệu dân ca truyền thống của quê hương.

Với năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, Lệ Ngải yêu thích ca hát từ bé và sôi nổi tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương. Học cấp 2, Lệ Ngải đã là một trong số những thành viên tích cực của đoàn chèo làng Ngang Nội và được tham gia đóng các vai diễn chính. Đến năm 1969,  Đoàn Dân ca Quan họ được thành lập và tuyển diễn viên, Lệ Ngải là một trong số 8 người đầu tiên được tuyển chọn về Đoàn sau các nghệ sỹ: Tự Lẫm, Minh Phức, Phương Lan, Xuân Mùi, Đức Nghị...

Sau thời gian tham gia phục vụ bộ đội qua nhiều mặt trận, Lệ Ngải vẫn trở về làm việc ở Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Trong vai trò Đội trưởng đội diễn viên, chị luôn là một nghệ sỹ xung kích, năng nổ, nhiệt tình dẫn dắt các lớp thế hệ nghệ sỹ, diễn viên của đoàn từng bước trưởng thành. Khoảng những năm đầu thập niên 90, cuộc sống của gia đình nữ nghệ sỹ Lệ Ngải rất khó khăn khi đối mặt với gánh nặng cơm áo. Chị tâm sự: Lúc đó thì cả nước khó khăn chứ chẳng riêng gì ai. Nhưng bản thân mình vốn chỉ quen với ca hát và nghệ thuật mà đúng lúc ấy lại được cho về nghỉ hưu sớm nên đã túng khó lại càng thêm bấn loạn. Để lo cho ba đứa con, hai vợ chồng nghệ sỹ Lệ Ngải đã phải xoay sở nhiều nghề mà vẫn chẳng đủ ăn... Mãi gần đây, khi con cái trưởng thành có công việc ổn định thì vợ chồng nghệ sỹ Lệ Ngải mới có thời gian được thong thả.

Bây giờ, dù đã nghỉ hưu nhưng NSƯT Lệ Ngải trước sau vẫn chung tình, đắm đuối với nghề chơi Quan họ. Chị vẫn tham gia giảng dạy Dân ca Quan họ truyền thống ở trường VHNT Bắc Ninh, Bắc Giang và sẵn sàng làm cố vấn cho các chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ truyền thống của Nhà hát cũng như nhiều CLB Quan họ trên địa bàn tỉnh. Với vốn Quan họ dày dặn, mực thước, kỹ thuật chỉn chu được các thế hệ nghệ nhân truyền dạy cùng với quá trình lao động nghệ thuật gian khổ, nghiêm túc, NSƯT Lệ Ngải được ghi nhận là nghệ sỹ Dân ca Quan họ chuẩn mực.

Bài, ảnh : Thuận Cẩm
Top