khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 24/09/2013 - 07:37

Rạng danh một vùng đất học

Dẫu không rộng dài bằng xứ Kinh Bắc thời phong kiến nhưng Bắc Ninh nay là tinh hoa hội tụ của cả vùng Kinh Bắc xưa. Do vậy truyền thống hiếu học và khoa bảng vẫn là đặc trưng, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành ý chí phấn đấu của các thế hệ người Bắc Ninh. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài là minh chứng sinh động.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến và lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trao thưởng Quỹ khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà cho những thí sinh đạt giải Quốc gia năm 2013.

 
Hiếm địa phương nào mà công tác khuyến học lại được quan tâm và phát triển mạnh như Bắc Ninh. Năm 2000, Hội Khuyến học tỉnh được thành lập, chỉ sau 1 thời gian ngắn, số tổ chức hội đã phát triển rộng khắp ở 100% các huyện, thị xã, thành phố; các xã, thôn, cơ quan, trường học đặc biệt là trong các gia đình dòng họ, với tổng số hội viên tính đến tháng 9-2013 là hơn 180 nghìn người, chiếm 18% dân số. Nổi bật là phong trào thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”.

Thi đua xây dựng “Gia đình hiếu học”, đã trở thành tiêu chí phấn đấu của mọi gia đình. Điển hình nhất là huyện Yên Phong có tới gần 19.300 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học”, chiếm 82%; thành phố Bắc Ninh có gần 31.800 gia đình, chiếm 78%; huyện Thuận Thành có 18.600 gia đình, chiếm 50,4%… Từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học tiêu biểu, nhiều câu chuyện như cổ tích giữa đời thường về nghị lực phi thường của các gia đình, cũng như cá nhân các em học sinh trong hành trình vươn lên khẳng định bản thân bằng con đường học vấn. Các gia đình cũng như cá nhân mỗi tấm gương tiêu biểu đã góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của quê hương.

Từ các “Gia đình hiếu học” đã dần lan tỏa và tạo thành các “Dòng họ khuyến học”. Đây cũng là phong trào xã hội rộng lớn, phát triển mạnh mẽ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Mỗi dòng họ có cách làm riêng nhưng tựu chung một mục đích là chăm lo việc học cho thế hệ trẻ, tạo dựng cho thế hệ trẻ có một tương lai tươi sáng…

Ở Bắc Ninh, huyện nào, xã nào cũng có các dòng họ khuyến học, trong đó tiêu biểu được cả nước biết đến như: Họ Vũ ở thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao (Lương Tài), họ Nguyễn ở thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong), họ Lê Nho ở thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng (Thuận Thành), họ Vũ Công ở thôn Trang Liệt, phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn)… Từ các gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học, đã xuất hiện nhiều “Làng Đại học” tại Bắc Ninh như: Đại Mão, Mão Điền (Thuận Thành), Vọng Nguyệt, Phú Mẫn (Yên Phong)… Các “Làng Đại học” nói trên được nhắc nhiều sau mỗi kỳ thi tuyển sinh Đại học hàng năm.

 

Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Công ty bảo hiểm Nhân thọ Prudential và Tổ chức Rồng xanh hỗ trợ đồ dùng học tập cho học sinh khó khăn huyện Yên Phong vào năm học mới 2013-2014.

 

Cú hích giúp phong trào thi đua khuyến học tại Bắc Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ chính là phong trào xây dựng quỹ khuyến học để tuyên dương, khen thưởng giáo viên và học sinh xuất sắc. Hiện tổng quỹ khuyến học toàn tỉnh hơn 19,4 tỷ đồng. Chưa kể quỹ khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà hơn 16 tỷ đồng, từ 3 năm nay sử dụng khen thưởng những giáo viên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong công tác, học tập.

Ngày 15-9 vừa qua, quỹ này tổ chức tuyên dương hơn 150 lượt giáo viên, học sinh xuất sắc (gồm học sinh giỏi Quốc gia, thủ khoa, á khoa Đại học, thí sinh có điểm thi Đại học từ 27 điểm trở lên, các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…) với tổng số tiền hơn 900 triệu đồng. Cùng với nhiều hoạt động khuyến tài khác, có thể nói chưa bao giờ các tài năng trẻ của tỉnh được quan tâm đãi ngộ để vươn lên như hiện nay.

Công bằng mà nói, kết quả giáo dục của Bắc Ninh tuy chưa thực sự xứng với truyền thống của đất học Kinh Bắc (chưa có nhiều thí sinh đạt giải Quốc gia, Quốc tế), chưa đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh, nhưng đã tạo được tiền đề vững chắc cho tương lai. Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu nhận định: Bắc Ninh hiện nay có đủ nhân tố và điều kiện để tiếp tục sản sinh ra những tài năng đặc biệt xuất sắc cho đất nước.

Tại kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2013, tỉnh Bắc Ninh xếp thứ 7 toàn quốc (cùng với thành phố Hải Phòng) về tổng điểm bình quân 3 môn thi Đại học với 14,37 điểm; có 53 thí sinh đạt tổng điểm bình quân 3 môn thi Đại học từ 27 điểm trở lên (không tính thí sinh 27 điểm diện được làm tròn)… Trong số những thí sinh xuất sắc kỳ thi Đại học 2013, vẫn ghi nhận nhiều em thuộc diện vượt khó vươn lên.

Điều đặc biệt nữa của Bắc Ninh (chính là cái khó cho các nhà quản lý giáo dục), là sau khi tốt nghiệp THPT hầu hết các thí sinh đều dự thi Đại học và muốn đỗ Đại học. Thực tế này bắt nguồn từ truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người, mỗi nhà và ảnh hưởng đến nhau, do vậy nhiều thí sinh chỉ thi cho biết, thi theo phong trào, thậm chí thi theo dư luận… Vô hình chung làm ảnh hưởng đến kết quả thi của tỉnh. Rõ ràng nếu như ngành GD-ĐT làm tốt công tác phân luồng hướng nghiệp, thì kết quả thi Đại học của Bắc Ninh hoàn toàn có thể xếp trong tốp 5 toàn quốc như lãnh đạo tỉnh cũng như ngành GD-ĐT luôn kỳ vọng hướng tới.

Bắc Ninh đang tiến nhanh trên con đường CNH, HĐH, phấn đấu về đích trước cả nước trên nhiều tiêu chí phát triển KT-XH. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, GD-ĐT phải đi trước một bước, phải được quan tâm phát triển toàn diện. Với truyền thống của vùng đất học, lại được quan tâm tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị với công tác khuyến học, khuyến tài, Bắc Ninh đang đứng trước nhiều vận hội tốt để tạo ra sức bật mới trong tương lai. Chăm lo cho sự nghiệp trồng người chính là nhân tố quan trọng để biến những vận hội, những cơ hội sớm trở thành hiện thực.

Thanh Tú
Top