Trầu cau dẫn cưới là một nét đẹp văn hóa đặc trưng trong lễ cưới của người Việt Nam.
Hầu hết số đám cưới trên địa bàn tỉnh được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu tự nguyện của đôi nam nữ, bảo đảm đúng Luật Hôn nhân và gia đình. Nhiều nghi thức truyền thống như chạm ngõ, lễ hỏi, lại mặt… được giản tiện song vẫn bảo đảm tính trang trọng, truyền thống. Thống kê 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 6.264/6.264 đám cưới có đăng ký kết hôn, trong đó 2.841 đám cưới tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn và chỉ có 74 đám cưới tổ chức “vượt khung” hơn 1,5 ngày. Tỷ lệ đám cưới tổ chức lại mặt giảm hẳn (nếu như năm 2012 có 4% đám cưới tổ chức lễ lại mặt thì 6 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 0,4%).
Đặc biệt, đã xuất hiện một số gia đình tổ chức đám cưới gọn trong 1 ngày bằng tiệc trà, tiệc ngọt thay tiệc mặn. Phần lớn số đám cưới không làm cỗ mời khách tràn lan và bày thuốc lá; nghi thức đưa dâu, đón rể được tổ chức văn minh, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như điều kiện kinh tế xã hội của gia đình, địa phương và sự tiến bộ chung của xã hội.
Một sự chuyển biến đáng ghi nhận là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi tổ chức lễ cưới của bản thân hoặc cho con đã báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương về thời gian, địa điểm và cả thành phần khách mời.
Ông Nguyễn Hữu Hoa, Trưởng phòng Nếp sống gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định: Thực tế thời gian qua cho thấy, những cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố và một số cán bộ xã, phường, thị trấn đã gương mẫu, tiên phong thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết. Qua đó, đảng viên, quần chúng nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm, giản lược các thủ tục rườm rà, mời khách ít hơn nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo không khí ấm cúng, vui vẻ…
Rõ ràng, việc cưới văn minh đang dần đi vào cuộc sống, được đông đảo tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Những điểm sáng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới như: Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), Hiên Vân (Tiên Du), Thị Cầu, Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), Thụy Hòa (Yên Phong), Song Hồ (Thuận Thành)…
Trong suy nghĩ của mỗi người dân đều thấy việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là cần thiết, hữu ích vì cả người tổ chức đám cưới lẫn người được mời đều không phải lo lắng. Song, từ nhận thức đến hành động là cả một chặng đường dài vì nó bị ràng buộc bởi những phong tục, tập quán, thói quen và cả quan niệm “có ăn có trả”. Thậm chí ở một số địa phương, có gia đình định tổ chức lễ cưới cho con đơn giản nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy “anh em, bà con làng xóm chưa ai làm thế”, vì sợ mang tiếng mà không dám thay đổi… Có lẽ, bởi áp lực phê phán của cộng đồng, của dư luận xã hội chưa đủ mạnh mẽ nên đâu đó vẫn còn những đám cưới rình rang, tốn kém.
Đành rằng tổ chức cưới hỏi là “việc riêng mỗi nhà” nhưng lại có sự tác động và làm ảnh hưởng đến cả một cộng đồng dân cư, hơn nữa khiến những người khách được mời phải bận tâm suy nghĩ. Vì vậy, để mùa cưới thực sự là một mùa vui, mỗi gia chủ khi quyết định tổ chức lễ cưới cho người thân hãy cân nhắc thật kỹ, làm sao để người tổ chức không phải “méo mặt” lo các khoản chi phí, còn người được mời cũng chẳng phải “nhăn nhó” đi ăn cỗ một cách miễn cưỡng…
Bên cạnh đó, sự nêu gương của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp cùng với hoạt động tuyên truyền, vận động của các tổ chức, đoàn thể xã hội rất quan trọng. Mặt khác, hoạt động giám sát nhất định phải được coi trọng thường xuyên và chặt chẽ hơn để từ đó tạo những áp lực dòng họ, làng xóm, cộng đồng và dư luận xã hội mạnh mẽ để lên án những đám cưới phô trương và cổ vũ, khuyến khích đám cưới đơn giản, tiết kiệm mà vẫn vui tươi, ấm cúng.