khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 01/10/2013 - 08:03

Sống đừng vô cảm

Cùng với sự suy thoái đạo đức, lối sống đang có chiều hướng gia tăng thì thái độ vô cảm cũng đang phát triển. Đó là khi tâm hồn con người trở nên trơ lỳ, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, vô cảm với mọi người xung quanh, không có cảm xúc, không có tình thương yêu và sự sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng; biểu hiện cao độ cho lối sống ích kỷ và thực dụng “mạnh ai nấy sống”.

Thái độ vô cảm xuất hiện thường xuyên nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày, sự thờ ơ lạnh lùng, bỏ mặc nạn nhân trước các vụ tai nạn giao thông thương tâm. Khá đông người xúm vào xem những vụ đánh nhau mà chẳng ai ra tay can ngăn. Khinh miệt những người tàn tật đi ăn xin. Chính thái độ vô cảm đã khiến những em bé, những người phụ nữ bị hành hạ tàn nhẫn mà không bị pháp luật trừng trị vì sự tắc trách của cán bộ chính quyền, đoàn thể, sự ngại ngùng, không muốn phiền phức của những người hàng xóm và tổ dân phố. Thái độ vô cảm còn biểu hiện ở lối sống vô trách nhiệm trong công việc và trước cộng đồng, không lên án cái xấu, cái tiêu cực. Đã có bác sĩ, thầy giáo quên mất đạo đức nghề nghiệp, đánh mất hình ảnh “lương y như từ mẫu”, khi mải tâm việc riêng, coi thường tính mạng con người. Có những thầy giáo, cô giáo lên lớp dạy qua loa thiếu trách nhiệm, sống buông thả đã quên mất: “Thầy giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, dạy thêm tràn lan, tăng thu nhập cá nhân trước sự nghèo khó của học sinh. Ở những vụ án kinh tế, tham nhũng có những người sẵn sàng lừa đảo, mưu lợi ích cá nhân, biển thủ công quỹ hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, trong các dự án theo kiểu “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, mua về công nghệ lạc hậu, đồ phế thải và chỉ khi công trình xuống cấp, đổ vỡ do chất lượng kém thì mọi việc mới vỡ lở.

Điều đáng lo ngại hơn khi thái độ vô cảm, dửng dưng với cái ác, cái xấu đang len lỏi trong lối sống của không ít thanh niên, thiếu niên học sinh. Nhiều trường hợp cả lớp chỉ biết đứng nhìn mà không dám lên tiếng hay can ngăn khi một học sinh cá biệt có hành động hỗn xược, hành hung thầy, cô giáo. Gặp những người hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn đáng thương, họ khinh miệt, xua đuổi và dè bỉu cả những người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ họ.

Những người sống vô cảm, đó là do tha hóa đạo đức, nhưng sâu xa hơn là lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ “sống chỉ biết mình” khi đề cao cái tôi lên trên cộng đồng, coi trọng đồng tiền, đã và đang xâm nhập, làm mai một lối sống giàu tính nhân bản và những giá trị truyền thống của dân tộc. Giữa guồng quay của cuộc sống và bạo lực của “Thế giới ảo” của công nghệ thông tin hiện đại, dường như cảm xúc và tâm hồn đang dần bị triệt tiêu. Con người đang dần ít đi sự giao lưu xã hội cần thiết và để mất đi niềm tin vào lòng nhân ái cùng những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Ở nhiều gia đình, cha mẹ không có sự quan tâm, bảo ban con những điều cần thiết trong đối nhân, xử thế. Cha mẹ chiều con quá mức đáp ứng mọi thứ, tạo cho giới trẻ ngay từ nhỏ thói quen “chỉ biết nhận mà không biết cho”; ích kỷ và vô tâm trước những người khác và xã hội, dần dần tạo cho giới trẻ cách hành xử lạnh lùng và vô cảm.

Trong cuộc sống xưa và nay, không thể có sự xa rời, tách biệt của cá nhân khỏi cộng đồng. Lợi ích chung cũng chứa đựng trong nó lợi ích của mỗi người và ngược lại. Sự mở lòng, quan tâm đến những người chung quanh, đến cộng đồng sẽ cho ta thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ và tình yêu thương. Với mỗi thanh thiếu niên hay chập chững vào đời điều quan trọng là lập cho mình cách sống kết nối có trách nhiệm, tham gia vào những hoạt động mang tính tập thể hoặc các chương trình từ thiện tự nguyện vì cộng đồng, thoát khỏi cái vỏ của lối sống ích kỷ, biết sống và biết yêu thương, biết đồng cảm với nỗi đau hay niềm vui của những người chung quanh.

Mỗi gia đình chính là môi trường đầu đời hình thành nên những cảm xúc yêu thương, lòng nhân ái, giáo dục và trang bị cho trẻ những chuẩn mực đạo đức con người, giúp cho trẻ học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Khi người lớn sống có trách nhiệm, quan tâm hơn với nhau và hành vi ứng xử mang tính nhân văn thì đó là tấm gương để giới trẻ noi theo. Cùng với gia đình, nhà trường nên trang bị cho thanh thiếu niên những kỹ năng sống thiết thực, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy ở trẻ lòng nhân ái và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu và cái ác. Xã hội phải đề cao và tôn vinh những tấm gương sống đẹp, sống có trách nhiệm và nghĩa tình, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng. Đồng thời tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống và đạo lý của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”.

Mỗi chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ hãy sống lương thiện, có lòng nhân ái, có cảm xúc, có tình thương yêu và sự chia sẻ giúp đỡ cộng đồng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, phải biết sống và biết đồng cảm với nỗi đau hay niềm vui của nhân dân, nhất là của những người chung quanh sống đừng vô cảm với xã hội, với nhân dân và chính mình.

Đức Tâm
Top