Diện mạo nông thôn Bắc Ninh ngày càng khang trang. Trong ảnh: Một góc làng Roi Sóc, Phù Chẩn (Thị xã Từ Sơn).
Trước tình hình phối hợp thống nhất hành động giữa các Ban CTMT với các tổ chức thành viên còn hạn chế và thiếu chủ động. Năm 2009, Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai 8 mô hình điểm xây dựng Ban CTMT vững mạnh toàn diện giai đoạn 2009-2010 tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, các Ban CTMT đã phát huy được vai trò “nòng cốt” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phát huy những kết quả đã đạt được ở các mô hình điểm năm 2011, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh quyết định nhân rộng mô hình xây dựng Ban CTMT vững mạnh toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và sự hướng dẫn của MTTQ các cấp, đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án.
Đến nay, 100% các Ban CTMT được kiện toàn thường xuyên, số thành viên mỗi ban có từ 7-15 thành viên. Toàn tỉnh có 731 Ban CTMT với 8.128 thành viên. Các Ban CTMT được duy trì sinh hoạt đều đặn, thường xuyên và từng bước đi vào nền nếp, có gần 79% các Ban sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương, các Ban phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng chương trình hành động để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động (CVĐ) như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,…
Các Ban CTMT trong tỉnh với nhiều hình thức phong phú và luôn đổi mới nội dung tuyên truyền đã vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, và quy định của địa phương. Cụ thể trong phát triển kinh tế các Ban đã vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất. Các đoàn thể tín chấp với các Ngân hàng giúp hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 12.134 hộ nghèo, giảm 2,94% so với năm 2010. Đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao, đến nay toàn tỉnh có hơn 86% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, gần 54% khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”.
Việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 20, 22 của HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được đẩy mạnh, bước đầu có những chuyển biến đáng khích lệ. Trong việc cưới, có trên 90% đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm và bảo đảm, những quy định trong Nghị quyết và quy ước của các thôn, làng. Các đám tang đều thực hiện nghiêm túc quy ước của địa phương, các hủ tục cơ bản được xóa bỏ. 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 21,7% số người chết được đưa đi hỏa táng. Lễ hội, mừng thọ được tổ chức đúng quy định, diễn ra trang trọng, vui tươi lành mạnh, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng dân cư. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc cũng được khơi dậy và phát huy. Từ tháng 10-2012 đến nay, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được gần 8,5 tỷ đồng cho quỹ “Vì người nghèo”. Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số gia đình và trẻ em được quan tâm.
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ các cấp, năm 2012 toàn tỉnh có 565/726 Ban CTMT đạt vững mạnh, chiếm 77,8%, tăng 4,8% so với năm 2011. Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ Mặt trận; thường xuyên kiện toàn các Ban CTMT; đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động; nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các CVĐ. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 85% Ban CTMT đạt danh hiệu vững mạnh; 100% Ban duy trì chế độ sinh hoạt hàng tháng, sơ kết và tổng kết hoạt động; 85% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hơn 60% khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”.