Các con, cháu quây quần xung quanh Đại tướng và phu nhân (1993). Ảnh: TL
Những năm gần đây, hầu như tuần nào tôi cũng có dịp đi qua phố Hoàng Diệu (Hà Nội), rợp bóng cây xanh, con đường có di tích Hoàng Thành-Thăng Long, gần kế bên là ngôi biệt thự kiến trúc thời Pháp, mang số 30, nép dưới tán lá lao xao, mát dịu của những cây cổ thụ. Đó là ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một bến đỗ bình yên nhiều năm gắn bó thân thiết với cuộc đời binh nghiệp của ông.
Khi chập chững bước vào đời, tôi đã được nghe kể về cuộc đời ông, tôn kính ông là thần tượng mà tôi hằng ngưỡng mộ. Sự nghiệp của ông gắn liền với những chiến công oanh liệt của nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (*), kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tôi mới có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng ông, trong lần ông cùng với phu nhân- Phó giáo sư Đặng Bích Hà về thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hà Bắc. Được biết, những năm ấy ông vừa nếm trải những sóng gió của chính trường, nhưng ở ông vẫn toát lên niềm lạc quan, yêu đời, tôn trọng và giữ nghiêm nguyên tắc của Đảng. Ông là người có công lớn cùng nhân dân ta, dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”, nhưng ở ông luôn luôn toát lên phong thái điềm đạm, khiêm tốn, thân tình, gần gũi, cởi mở với cán bộ, chiến sỹ và với dân chúng. Với phẩm chất ấy, nên không những là thần tượng của thế hệ đã qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, mà ông trở thành thần tượng tỏa sáng trong nhiều thế hệ kế tiếp ở trong nước và cả ở nước ngoài. Trí tuệ, bản lĩnh và tấm lòng nhân hậu của vị tướng huyền thoại “bách niên giai lão” luôn luôn tỏa sáng lấp lánh trong tâm khảm mỗi người dân Việt. Một cựu chiến binh phường Thành Công (Hà Nội) đã tặng Đại tướng câu đối như là sự đúc kết khí chất vận mệnh của ông: Văn lo vận nước Văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn.
Đại tá Nguyễn Huyên, người đã hơn 40 năm gần gũi, phụ tá Đại tướng kể lại: Có lần, một thương binh ở tận Hải Phòng, đi xe khách lên Hà Nội xin được gặp Đại tướng, do chưa có lịch hẹn nên anh em cảnh vệ và Văn phòng còn băn khoăn, biết tin ấy, Đại tướng vui lòng gặp ngay. Khi được gặp Đại tướng, người thương binh ấy đã khóc rưng rức, nói: “Giờ em về quê có chết cũng được rồi. Cả đời em chỉ mong được gặp anh một lần”… Nhà sử học Mỹ Cecil Currey trong cuốn “Victory at any cost” nhận xét về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông không chỉ trở thành huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và một trong những thiên tài lớn nhất của tất cả các thời đại”.
Quan sát ông trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo địa phương, và ứng xử với người thân, tôi càng cảm phục ông cả về trí tuệ, đức độ và phong thái; vừa sôi nổi, quyết đoán của một vị tướng vừa điềm đạm, biết khắc chế bản thân; vừa sâu sắc và hiểu biết rộng rãi trong tư duy của người trí thức lại vừa gần gũi, cụ thể trong thực tiễn; vừa uyên bác vừa lãng mạn; vừa oai phong vừa thân tình. Có lẽ vì những tố chất ấy mà ông được coi là người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam và trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, ông được Quân đội và nhân dân gần như tuyệt đối yêu mến, kính trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống trọn cuộc đời bằng ý chí cá nhân được hun đúc từ truyền thống yêu nước và học thức của gia đình, bằng tình cảm đồng chí, đồng đội và cả xã hội dành cho ông. Đại tướng là người thật may mắn có được một mái ấm gia đình tràn trề hạnh phúc như một bến đỗ bình yên mà con người bình thường nào cũng hằng mơ ước…
Tìm hiểu về gia thất, được biết ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thân phụ sống bằng nghề dạy chữ và bốc thuốc, mẹ là một phụ nữ nội trợ thông minh, phúc hậu. Dân làng An Xá, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) thường truyền nhau lòng biết ơn và niềm kính trọng đối với các vị thân sinh của Đại tướng. Đó là những con người chỉ biết lấy sự lương thiện, sự trung thực, nghĩa khí và sự hiểu biết để hết mực giúp những người xung quanh khi họ cần đến mình, bất chấp mọi sự phiền luỵ, thậm chí hiểm nguy.
Khi thực dân Pháp đến bắt cụ ông và yêu cầu gọi đứa con “phiến loạn” Võ Nguyên Giáp và các đồng chí ra đầu thú, cụ khảng khái chịu đựng mọi sự hành hạ, khảo tra của chúng và trả lời: “Tôi chưa kịp dạy nó nên sống thế nào, nên làm gì trong lúc nước nhà tối tăm như ri thì nó đã bỏ nhà đi rồi. Nay nhờ các ông bắt nó về đây cho tôi dạy”.
Ở tuổi vị thành niên, đang là học sinh Quốc học Huế, Võ Nguyên Giáp lại có may mắn được quen biết nhiều người cùng tâm nguyện, chí hướng. Đặc biệt là tình bạn vong niên thân thiết với thầy giáo Đặng Thai Mai, người đã để lại dấu ấn tinh thần quan trọng trong phần lớn cuộc đời chính trị và binh nghiệp của Võ Nguyên Giáp. Thầy Đặng Thai Mai nhiều hơn trò Võ Nguyên Giáp 12 tuổi. Họ thân nhau, cùng nhau trải qua nhiều sóng gió của thời cuộc. Năm 1930, cả hai thầy trò đều bị thực dân Pháp bắt giam vì hoạt động yêu nước, chống lại chế độ đương thời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân.
Năm 24 tuổi, trên đường hoạt động cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã gặp Nguyễn Thị Quang Thái, nữ sinh Đồng Khánh và là em gái của Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ chiến sĩ cách mạng kiêm nữ sĩ của nhiều tờ báo thời ấy với bút danh Kim Anh. Trái tim hai trí thức trẻ, thông minh, giàu lòng yêu nước đã rung động một nhịp, sau đó họ gắn bó thân thiết và trở thành vợ chồng. Nhưng mối tình hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi. Năm 1944, khi Võ Nguyên Giáp trở thành người chỉ huy đầu tiên của lực lượng võ trang Việt Nam thì Quang Thái mất ở trong nhà tù của thực dân Pháp, để lại người con gái đầu lòng Võ Thị Hồng Anh mới gần 4 tuổi (Sau này Võ Thị Hồng Anh là Tiến sỹ, nhà vật lý nữ đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng Kovalevskaia, bà bị bệnh mất tháng 7-2009). Nhớ về mối tình đầu, ông thường nhận xét: “Quang Thái là người phụ nữ kiên định nhưng rất nhân hậu, thương người...”.
Sau Cách mạng tháng Tám, cũng vẫn do mối quan hệ thân tình dài lâu với người thầy, người bạn vong niên, duyên phận đã đưa đẩy ông may mắn gặp được người phụ nữ thứ hai, đó là bà Đặng Bích Hà, con gái đầu của thầy Đặng Thai Mai. Ông hơn bà 16 tuổi và khi hai người lấy nhau, bà vừa mới bước sang tuổi 19. Trước ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, Võ Nguyên Giáp được lệnh lên chiến khu Việt Bắc, cụ Đặng Thai Mai được giao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa, nên gia đình cụ cũng tản cư về Thanh Hóa. Trước lúc chia tay, gia đình cụ Đặng Thai Mai đã đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị, chỉ có gia đình nhà gái và khách mời là ông Trần Duy Hưng, khi ấy là Chủ tịch Ủy ban KCHC Hà Nội (còn gọi là Thị trưởng) là người chủ trì buổi lễ kết hôn và bà Thục Viên là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên đến dự. Do thời gian quá gấp nên ông Trần Duy Hưng đã mang theo cuốn sổ đăng ký kết hôn đến để Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà làm thủ tục đăng ký ngay tại phòng khách nhà cụ Đặng Thai Mai tại Hà Nội.
Bà Đặng Bích Hà là một phụ nữ thông minh, mẫn tiệp, phong thái tự nhiên, vô tư, khoáng đạt, luôn muốn nói ra những gì bản thân đã nghĩ, đang nghĩ. Có lần ông tâm sự với những người thân cận rằng chính những đặc điểm ấy của bà Bích Hà đã xoá đi khoảng cách tuổi tác giữa ông và bà những năm đầu tiên chung sống ở chiến khu Việt Bắc, nơi bà lần lượt sinh ra ba người con: Võ Hòa Bình (1951), Võ Hạnh Phúc (1952), Võ Điện Biên (1954). Về lại Hà Nội, bà sinh thêm người con trai út Võ Hồng Nam (1956).
Với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng... công việc luôn luôn chiếm hầu hết thời gian trong ngày, nhưng cứ đến ngày 27 tháng 11 hằng năm, Đại tướng lại nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung, một loài hoa bà Bích Hà rất thích để ông tặng bà nhân kỷ niệm ngày cưới. Trong gia đình, bà có công rất lớn trong việc chăm sóc và giáo dục các con. Những lúc phải đi công tác xa nhà, ông vẫn cố dành thời gian viết những dòng thư ngắn gọn gửi về gia đình, hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần không để gia đình có cảm giác lo lắng, hụt hẫng. Trong những lá thư ấy, ông luôn luôn thể hiện niềm tin son sắt ở bà, yên tâm về vai trò và trọng trách lớn lao là nuôi dạy con cái nên người. Sau này khi các con đã trưởng thành, trong những bữa cơm gia đình Đại tướng thường nói: “Ba rất tin tưởng ở mẹ các con, nhờ có mẹ mà ba mới có thể yên tâm công tác”. Đại tướng thường có thói quen ăn nhẹ bữa trưa, việc đưa cơm để Đại tướng dùng hằng ngày là việc của anh em phục vụ. Song bà Bích Hà đã thường xuyên tự mình làm những việc đó như một cử chỉ ân tình với chồng. Trừ những ngày đi công tác xa, còn nếu ở thành phố Hà Nội, thì dù cách xa nhà, đến giờ là bà lại mang đồ ăn lên cho Đại tướng.
Hơn 67 năm trôi qua kể từ ngày bà và ông cùng đi trên một con đường, cô tiểu thư Bích Hà chỉ biết có sách vở ngày nào giờ đã ngoài 80 tuổi. Mái tóc đã ngả hoa râm, đôi mắt cũng không còn tinh nhanh như trước nữa nhưng bà vẫn giữ thói quen chăm sóc chồng từ những sở thích nhỏ nhất. Đọc sách báo là một trong những sở thích chung gắn kết ông bà với nhau trong suốt cuộc đời. Dù cuộc sống có khó khăn, bận rộn, mỗi ngày gia đình vẫn dành ra một khoảng thời gian nhất định cho việc đọc sách báo và lúc rảnh rỗi lại cùng nhau đàm đạo, chuyện trò, bình luận từ những tin tức, sự kiện trong sách báo đến xã hội và cuộc sống thường nhật.
Những năm gần đây, nhất là từ sau khi người con gái đầu Võ Hồng Anh mất, sức khỏe Đại tướng giảm sút nhiều, phải nằm thường xuyên trong bệnh viện và điều trị theo chế độ đặc biệt. Gần như hằng ngày bà vẫn vào thăm ông, cùng ông trò chuyện. Hôm nào mệt bà không vào được, ông đều hỏi các con: “Mẹ thế nào?”. Khi nghe các con nói: “Mẹ vẫn khỏe, mẹ bình thường ạ!” thì ông mới gật gật đầu, nhắc các con: “Bảo mẹ giữ gìn sức khỏe!”.
Là vợ của đại tướng tổng tư lệnh quân đội, nhưng bà Đặng Bích Hà vẫn giữ được nền nếp truyền thống của một gia đình trí thức và phẩm hạnh, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam. Bà cần mẫn làm nhiệm vụ một nhà nghiên cứu lịch sử, giảng viên đại học cho đến ngày nghỉ hưu. Bà là bến đỗ bình yên, chắp cánh cho cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng và làm dịu đi những cơn sóng gió chính trường. Bà luôn luôn cố giữ để những bất thường của cuộc đời không làm xáo trộn cuộc sống của gia đình và nhất là không để cho các con, cháu mất niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong xã hội. Mỗi con người đều có niềm riêng, gia đình là nơi niềm riêng ấy được chia sẻ, là cái gương soi rọi những giá trị đích thực của cuộc sống, là nơi bình yên sau những tố lốc trong cuộc đời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã may mắn có được một gia đình như thế.
Từ ngày Đại tướng phải nằm viện, những bước chân của bà Bích Hà cũng không còn nhanh nhẹn như trước nữa, nhưng bà vẫn thường xuyên vào thăm nom ông. Mái đầu bạc sát mái đầu bạc, hai bàn tay nhăn nheo nắm chặt nhau, thì thào trò chuyện. Những cử chỉ nhiều khi con cháu không hiểu hết, chỉ có những người gắn bó bên nhau, đồng cam cộng khổ, cùng nhau trải nghiệm sóng gió cuộc đời, hiểu nhau qua ánh mắt, nụ cười mới thật sự cảm thông và hiểu rõ ngọn nguồn. Tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phó giáo sư Đặng Bích Hà thật bình dị nhưng sâu đậm, là nền tảng vun đắp nên mái ấm bình yên, hạnh phúc trọn vẹn.
(*) Thơ Tố Hữu trong bài “Ta đi tới”