khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 10/10/2013 - 08:17

Gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ em

Mùa hè đã qua, năm học mới bắt đầu, sau bao niềm vui, háo hức đến trường của các em học sinh thì đâu đó vẫn quặn thắt những nỗi đau mất con, những niềm mơ ước còn dang dở... chỉ bởi một chút bất cẩn của người lớn, một chút hiếu động của trẻ nhỏ mà những tai nạn thương tâm đã cướp đi mạng sống bé nhỏ của các em. Tai nạn thương tích ở trẻ em thực sự đáng báo động mà chưa tìm được biện pháp phòng, tránh hiệu quả.

Trẻ em thi vẽ tranh, một trong những hoạt động vui chơi lành mạnh, tránh tai nạn thương tích xảy ra.


“Cháu vẫn tính với tôi là chỉ còn 6 ngày nữa thì con được đến trường, thế mà trong chốc lát, tôi mất cháu mãi mãi”, chị Nguyễn Thị Giang mẹ của cháu Nguyễn Đức Mạnh ở Trung Chính (Lương Tài) nói trong tiếng nấc nghẹn. Cháu Mạnh mới 6 tuổi. Trường học, lớp học, thầy cô giáo, phấn trắng, bảng đen... vẫn còn là sự mơ hồ đối với cháu và cháu đang khao khát được khám phá. Vậy mà, tai nạn đuối nước hồi tháng 8 vừa qua đã khép lại hoàn toàn niềm mơ ước ấy. Giờ đây, nhìn những đứa trẻ nô nức cắp sách tới trường, chị Giang chỉ biết khóc ròng. Không biết nỗi đau này bao giờ mới nguôi ngoai!

Cũng do tai nạn đuối nước mà cuối tháng 9 vừa qua, thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ) chìm trong tang tóc khi 3 em: Đào Viết Vinh (sinh năm 2006), Trịch Đắc Đạt (sinh năm 2006), Trịnh Đắc Chiến (sinh năm 2003) rủ nhau đi tắm ao rồi cùng bị chết đuối. Còn nỗi đau nào lớn hơn những nỗi đau như thế! Tai nạn sông nước nói riêng và tai nạn thương tích nói chung vẫn hàng ngày, hàng giờ rình rập, đó cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì chỉ trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có gần 500 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó 13 trẻ bị tử vong. Đến thời điểm này, con số tử vong lên tới gần 20 trẻ. Tai nạn sông nước và giao thông dễ dẫn đến tử vong nhất ở trẻ. Vậy làm thế nào để hạn chế thương vong, hạn chế tai nạn thương tích đến với các em?

Môi trường gia đình là yếu tố quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. Mỗi bậc cha mẹ phải tự biết cách bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên để mắt đến trẻ, cha mẹ phải dạy trẻ tự biết cách bảo vệ bản thân, dạy trẻ kiến thức, kỹ năng cũng như cách xử lý khi tai nạn thương tích xảy ra. Song song với sự quan tâm của gia đình thì môi trường xã hội, lớp học cũng phải thực sự bảo đảm an toàn cho trẻ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường sự lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em. Triển khai đồng bộ các mô hình, giải pháp phòng, tránh, can thiệp sớm tình trạng tai nạn thương tích trẻ em ở các tổ chức đoàn thể, khu dân cư...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cộng đồng dân cư, tuyên truyền các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ trẻ cho các bậc cha mẹ và toàn xã hội. Tích cực xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” cho trẻ em, đồng thời tăng cường tuyên truyền các kỹ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ sinh sống ở các vùng nông thôn, ven sông, trên sông... để không còn những nỗi đau do tai nạn thương tích gây ra đối với trẻ.

Bắc Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng và thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2013-2020, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Mong rằng gia đình, nhà trường, xã hội cùng chung tay thực hiện mục tiêu bảo vệ sự an toàn tuyệt đối mang đến cho các em tương lai, hạnh phúc thực sự.

Bài, ảnh: Hoài Lan
Top