khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 17/10/2013 - 08:24

Sống trung thực và lương thiện

Trung thực và lương thiện là bản tính và phẩm hạnh cao đẹp nhất và là một yêu cầu không thể thiếu trong một con người. Con người không thể chống lại cộng đồng và nhân dân bằng không trung thực, không lương thiện của mình. Tùy thuộc vào nền tảng đạo đức, nền tảng văn hóa-giáo dục; tùy thuộc vào nghị lực, bản lĩnh của từng người mà người ta trung thực, lương thiện ở mức nào trong cái thang của giá trị nhân cách con người.

Trên các trang báo hàng ngày chúng ta đọc không hiếm gì những vụ án giết nhau đau lòng… mà thủ phạm đang dần “trẻ hóa”. Rồi cũng trên các trang báo mỗi ngày ta đọc một đời sống hào nhoáng, đua đòi lố bịch của một số thanh niên cũng nhiều chuyện bức xúc. Riêng hai góc độ ấy của đời sống mỗi ngày trên trang báo, đã khiến không ít người thở dài, lo âu.

Chúng ta cũng tự hỏi, tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tuổi vị thành niên trong những năm qua liệu có phải là hệ lụy của việc giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm thích đáng đến việc dạy thế hệ trẻ trở thành người công dân tử tế trước khi bắt các em phải vượt qua các kỳ thi chuyển cấp, vào đại học lấy điểm 9 điểm 10.

Những người có trách nhiệm, có lương tâm không khỏi buồn lòng khi nhìn vào xã hội hôm nay. Dường như lòng tham, cái ác, sự vô cảm, tư duy thực dụng đang lên ngôi, đang lấn lướt những vẻ đẹp có tính nhân văn của dân tộc. Dường như các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã không còn được người ta nâng niu, gìn giữ? Dường như sự tử tế của con người dành cho nhau cũng đang thưa vắng dần?

Rất nhiều người khi nói về sự trung thực thì nói với một thái độ không tự tin, bởi vì sống trong một môi trường mà có khi sự trung thực đem lại thiệt thòi hơn thành đạt. Nhưng chúng ta không vì thế mà để sự thiếu trung thực trở thành vốn liếng ban đầu của thế hệ trẻ. Nhà trường, gia đình phải khẳng định giá trị đạo đức, giá trị hợp pháp của sự trung thực và còn chịu trách nhiệm về độ trung thực của con em mình, của các em học sinh, sinh viên trong xã hội. Các em học sinh có được cuộc đời trong sáng, nhân ái từ những bài học ban đầu khi ngồi ghế nhà trường, đó là sự mong muốn, ước vọng, khát khao nhất của các bậc phụ huynh học sinh.

Có những người tiến rất xa, lên rất nhanh, giàu sang bằng sự thiếu trung thực, nhưng con cái họ, bản thân họ chơi bời, đua chen, hư hỏng tha hóa, xã hội chê cười. Tai họa đến theo quy luật nhân quả và đến từ mọi ngõ ngách của cuộc sống. Nếu từ trong lòng mình, mình có tinh thần trách nhiệm, nếu mình nghĩ đến con cháu mình, nghĩ đến danh dự gia đình thì con người sẽ hành động một cách trung thực.

Những ngày qua chúng ta kính viếng và tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng. Một vị tướng của dân, huyền thoại, tài ba; một nhà văn hóa lớn, một nhân cách lớn, sống mãi trong lòng dân. Trong suốt cuộc đời Đại tướng sống và chiến đấu vì nước, vì dân, thương yêu quý trọng đồng bào, đồng chí, đồng đội. Khi Đại tướng ra đi thanh thản, hạnh phúc, được nhân dân cả nước từ cụ già đến em bé nhất là cựu chiến binh quý trọng, tiếc thương. Mỗi chúng ta dù ở cương vị nào hãy noi gương, học tập Đại tướng sống trung thực, lương thiện, giữ gìn phẩm hạnh để góp phần xây dựng một xã hội trung thực và lương thiện, xã hội tiến bộ và phát triển.

 

Hãy đấu tranh tích cực, kiên quyết không lùi bước trước sự giả dối, sống không lương thiện, vô cảm trước nỗi khổ, khó khăn của nhân dân, làm giàu trong sự cơ cực của người lao động. Không nản chí, không mất hy vọng, không mất lòng tin vào cuộc sống bằng giữ được sự lương thiện của mình. Không có lợi ích nào, không có chức vụ nào, không có quyền hạn nào để có thể đánh đổi được sự lương thiện, phúc hậu của con người, đây là nhân cách là phẩm giá cao đẹp, vĩnh cửu của một con người. Người nào đánh đổi sự lương thiện để lấy địa vị, quyền lợi sẽ đau khổ vào lúc người đó không còn khả năng để làm việc và sống tiếp nữa. Vì người nào luôn luôn muốn thắng, sẽ đau khổ một cách cay đắng vào lúc thất bại và ngã gục trong cuộc đời. Con người đẹp nhất, hay nhất, tốt nhất, hạnh phúc nhất là được sống hay khi qua đời trong niềm tiếc thương, kính trọng yêu mến của bạn bè, đồng chí, của cộng đồng dân cư.

Mỗi người chúng ta phải giữ gìn phẩm giá, nhân cách của con người, đến khi ra đời về với tổ tiên, mình giữ được niềm hạnh phúc tràn ngập trong tâm hồn của mình, vì mình có cuộc đời của một người trung thực và lương thiện. Người không trung thực, không lương thiện thì không ngẩng mặt với ai được, không ngẩng mặt một cách thực lòng. Chúng ta bằng mọi giá giữ trung thực và lương thiện của mình, không đánh đổi nó bằng bất kỳ cái gì cả. Từ xưa ông cha ta đã dạy: Không chơi với người không chính đáng và không cần bất kỳ cái gì không chính đáng. Phải nói rằng tất cả vốn liếng của một con người là sự trung thực và lương thiện của mình. Địa vị sẽ qua, cuộc sống sẽ ra đi, tiền của cũng sẽ hết, chỉ còn danh dự và nhân phẩm con người.

Đức Tâm
Top