khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 18/10/2013 - 08:28

Kịch bản chèo đề tài mới -Khoảng trống khó lấp

Giữa ngổn ngang những vấn đề nóng bỏng tiếp diễn phức tạp trong đời sống hàng ngày thì các tác giả kịch bản chèo ở Bắc Ninh dường như vẫn loay hoay với câu hỏi, đâu là vấn đề công chúng thật sự quan tâm? Để có được một vở chèo đề tài hiện đại lôi cuốn, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ mà vẫn giữ được “hơi chèo” thật không dễ.

Một tiết mục trong Liên hoan tiếng hát các làng chèo tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất.

 

Nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng là sự tổng hòa của các thành phần sáng tạo từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên cho đến mỹ thuật, âm nhạc. Trong số đó, cái quan trọng trước tiên phải là kịch bản bởi cổ nhân đã nói “Có tích mới dịch lên trò”.  Trong giai đoạn bùng nổ của nhiều loại hình giải trí, chèo đang mất dần chỗ đứng thì việc sáng tác kịch bản chèo đề tài hiện đại thật sự cần thiết nhưng để có tác phẩm đạt đến tầm cao thì không dễ. Kịch bản chèo hiện đang là một khoảng trống khó lấp đầy, ngay cả lực lượng sáng tác cũng vừa già vừa hiếm.

Tác giả Thượng Luyến, Chi hội trưởng Chi hội sân khấu Bắc Ninh là một trong số ít tác giả viết kịch bản chèo chuyên nghiệp của Bắc Ninh hiện nay tâm sự: Viết chèo đề tài hiện đại rất khó vì nếu không có kiến thức về sân khấu chèo, không biết cách vận dụng, kết hợp một cách tinh tế và nhuần nhuyễn những nét đặc trưng cơ bản của chèo truyền thống vào sáng tạo tác phẩm thì rất dễ sa vào dạng kịch nói có hát chèo hoặc mô phỏng theo những tuýp chèo cổ sẽ trở thành kệch cỡm…

Bên cạnh đó, đội ngũ những người viết kịch bản chèo trong tỉnh hiện không nhiều mà đa phần đều đã cao tuổi. Có thể kể ra một vài người viết thường xuyên như: Lê Hồng Hạt, Thượng Luyến, Lê Minh Xuyến, Nguyễn Đình Cấn, Nguyễn Văn Sa… Trong số đó, chỉ đôi ba tác giả viết chuyên nghiệp, còn lại chủ yếu là những người viết nghiệp dư, thường chỉ có thể sáng tác được trích đoạn hoặc là hoạt cảnh chèo cho các đội văn nghệ quần chúng dưới cơ sở như đã thấy qua một số liên hoan, hội thi, hội diễn.

Nói đến nghệ thuật chèo, người Bắc Ninh xưa nay vẫn tự hào bởi có một nền tảng vững chắc là những bậc tiền bối uyên bác trong sáng tác kịch bản. Những tích chèo cổ mẫu mực được xem như những “viên ngọc chèo toàn bích”, kết tinh tài năng, trí tuệ của ông cha và “vằng vặc” tỏa sáng trong lòng công chúng yêu chèo qua biết bao thế kỷ như: Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham, Chu Mãi Thần… đều do các tác giả người Bắc Ninh sáng tác.

Trong cuốn Bắc Ninh dư địa chí của cụ Đỗ Trọng Vỹ, phần viết về huyện Lang Tài có ghi: “Các xã cũng có phường hát. Duy có phường hát xã Ngọc Quan vở hát được Liên Trì tiên sinh soạn nên có những lời lẽ và điệu hát đẹp, nhã, có tính chất khuyên răn không có những lời lẽ quê mùa, đáng được truyền tụng (truyện Công chúa Lạc Xương, Lưu Bình Dương Lễ, Chu Mãi Thần, Hán Sở…)” hoặc trong sách Địa Chí Hà Bắc giới thiệu ở trang 664, mục các tác gia cũng chép, tác giả cuốn Quan Âm Thị Kính là cụ Đỗ Dư (bố cụ Đỗ Trọng Vỹ), bút danh Hy Liễu, là một nhà nho có khí tiết, đậu cử nhân khoa Kỷ Mão đời Gia Long (1819)…

Ngoài ra, lời thoại của các nhân vật chính trong các vở chèo cổ khi xưng danh quê quán cũng thường nhắc đến địa danh của Bắc Ninh. Xuất phát từ nền tảng ấy mà nghệ thuật chèo đã có nhiều thế kỷ phát triển sôi động ở khắp mọi ngõ ngách, xóm làng trong tỉnh.

Những người yêu chèo truyền thống chia sẻ, dù các tích chèo cổ diễn đi diễn lại suốt năm này qua năm khác, từ làng nọ sang làng kia, người dân hầu như ai cũng thuộc làu tích ấy nhưng vẫn thích, vẫn muốn xem. Thích vì mỗi lần nghe lại, xem lại là thêm một lần được vui, buồn và chiêm nghiệm cùng với số phận của các nhân vật, nhất là những vai hề chèo-một hình tượng nghệ thuật không thể vắng bóng trong các vở chèo cổ để truyền tải tư tưởng, tạo tiếng cười phê phán, đả kích và đấu tranh loại bỏ cái ác, thói xấu thấp hèn trong xã hội. Thế nhưng, những vở chèo đề tài hiện đại dường như không chăm chút nhiều cho nhân vật hề hay hài.

Các tác giả vẫn chỉ khai thác những đề tài lịch sử, cách mạng, mượn những hình tượng lịch sử để thông qua đó chuyển tải tư tưởng nghệ thuật của mình và phản ánh một số vấn đề thời sự. Bản thân tác giả Thượng Luyến từng có một số kịch bản chèo tạo dấu ấn, được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng thành công và phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở đề tài lịch sử, cách mạng như vở chèo viết về Thái sư Lê Văn Thịnh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ… Ngoài ra, còn biết bao vấn đề đang đặt ra trong mọi lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, nông dân, công nghiệp hóa, mua bán chuyển nhượng đất, tham nhũng, quy hoạch, kiến trúc, chất độc da cam, xuất khẩu lao động, đổi mới giáo dục, đời sống giới trẻ… hầu như vẫn chưa thấy các tác giả viết kịch bản chèo đề cập đến. Cũng chưa thấy xuất hiện một hình tượng nghệ thuật chèo của ngày hôm nay được các tác giả xây dựng lên để ghi dấu ấn trong lòng khán giả và có thể nói lên tiếng nói của thời cuộc…

Các tác giả, nhà viết kịch bản chèo hôm nay ở Bắc Ninh đang được thừa hưởng một nền tảng vững chắc từ truyền thống sẽ có thêm động lực tìm ra lối đi mới của mình để tiếp tục khơi gợi những vấn đề thời đại khiến công chúng phải đau đáu suy nghĩ và chiêm nghiệm. Có như vậy những vở chèo đề tài hiện đại mới có hy vọng chạm được đến trái tim khán giả.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Top