khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 31/10/2013 - 08:46

Quế Võ với mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề

Những năm gần đây, huyện Quế Võ luôn xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với phát huy những thế mạnh sẵn có, UBND huyện chú trọng thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển lĩnh vực này.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện số cơ sở chế biến nông lâm sản, thực phẩm đồ uống, sản xuất gốm, gỗ mỹ nghệ, sửa chữa, gia công cơ khí… tăng từ 1.911 cơ sở năm 2012 lên 2.365 cơ sở năm 2013, tạo việc làm cho 3.865 lao động; giá trị sản xuất năm 2012 đạt 234 tỷ 125 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt khoảng 115 tỷ 827 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn huyện có 205 cơ sở dệt may, tạo việc làm cho 750 lao động; giá trị sản xuất năm 2012 đạt 27 tỷ 730 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt 15 tỷ 246 triệu đồng. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng có 8 cơ sở, sản phẩm chủ yếu là gạch xây dựng, tạo việc làm cho gần 1.300 lao động; giá trị sản xuất năm 2012 đạt 195 tỷ 241 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2013 đạt 101 tỷ 906 triệu đồng.

Đối với các làng nghề truyền thống: Tại xã Phù Lãng, hiện có 2 thôn làm nghề sản xuất gốm là Phấn Trung và Thủ Công, thu hút 300/800 hộ dân làm gốm với gần 2.000 đầu sản phẩm các loại; giá trị sản xuất năm 2012 đạt 25 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2013 đạt trên 14 tỷ đồng. Nghề mây tre đan, bị cói tại thôn Đức Tái xã Chi Lăng có 116/196 hộ làm nghề, doanh thu năm 2012 đạt 5 tỷ 568 triệu đồng, sáu tháng đầu năm 2013 đạt 3 tỷ 50 triệu đồng. Thôn Quế Ổ và Mai Thôn xã Chi Lăng có 235/700 hộ làm nghề đan bị cói, chiếu lót, doanh thu từ làng nghề của 2 thôn trong năm 2012 đạt 560 triệu đồng, sáu tháng đầu năm 2013 đạt  295 triệu đồng.

Ngoài các khu công nghiệp tập trung do tỉnh quản lý, các xã có điều kiện phát triển CN-TTCN đều được UBND huyện quy hoạch và triển khai xây dựng các cụm công nghiệp tập trung theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Đơn cử tại 2 cụm công nghiệp Nhân Hoà - Phương Liễu và Châu Phong - Đức Long, tổng diện tích 138,0 ha đã thu hút 6 cơ sở sản xuất kinh doanh với vốn đầu tư tương đối lớn.

Điển hình như Công ty TNHH Tín Đạt đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất gạch ốp lát CLINKER cao cấp với vốn đầu tư trên 212 tỷ đồng. Khu quy hoạch vùng sản xuất gạch Tuynel đã có 12 doanh nghiệp đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và thủ tục thu hồi đất, tổng diện tích quy hoạch 68,7 ha và có 8 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất (Nhà máy gạch Cầu Ngà, Tân Giếng Đáy, Nhân lực Nam Sơn, Toàn Duyên, Hạ Long, QC, Thanh Nhàn…), các doanh nghiệp còn lại theo lộ trình của tỉnh được chuyển sang sản xuất gạch không nung hoặc dự án khác.

Cùng với nỗ lực thực hiện đề án khôi phục và phát triển các ngành nghề CN-TTCN và làng nghề truyền thống, UBND huyện Quế Võ cũng đã tập trung cải cách thủ tục hành chính; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo lao động lành nghề; vận dụng linh hoạt, sáng tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích, kêu gọi đầu tư các dự án lớn từ nhiều nguồn vốn và bằng nhiều hình thức khác nhau.

Từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2013, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương mở 9 lớp đào tạo nghề cho các cơ sở TTCN trên địa bàn bằng nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia cho hơn 270 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ 378 triệu đồng. Các nghề được hỗ trợ đào tạo gồm mộc dân dụng, sản xuất gạch, may công nghiệp, mây tre đan, gốm mỹ nghệ, sản xuất đồ nhựa gia dụng. Chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên bám sát các cơ sở sản xuất CN-TTCN để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ, hoặc đề xuất với UBND huyện có hướng xử lý, giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện phát triển ổn định.

Năm 2012, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt 2.569,57 tỷ đồng, bằng 102,4% (giá cố định 1994), tăng 9,5% so với năm 2011. Riêng công nghiệp-TTCN địa phương đạt 366,469 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm 2013 đạt 5.493,58 tỷ đồng theo giá hiện hành, bằng 2.286,52 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chung đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu sức ép từ lạm phát và khủng hoảng hiện nay.

Thành Trung
Top