“Một mình trăng lên” là tập thơ thứ 6 của Nguyễn Việt Bắc, hội viên Hội nhà văn Việt
Có một người bạn
Bảo tôi:
Viết những câu thơ lạ quá
Tôi nhìn lại mình
Bóng tròn chữ O
Lại đi từ số không
(Nhìn)
Câu thơ lạ đồng nghĩa với đổi mới, không giống những thơ trước đó của mọi người và của chính mình. Liên tục đổi mới. Cái sẽ viết ra ngày mai bao giờ cũng là sự bắt đầu mới, bao giờ cũng đi từ số không.
Ở bài thơ “Người đàn bà có nhiều gương” tác giả chỉ dùng hình ảnh những kiểu gương lồi, lõm, phẳng, lành, vỡ, nhỏ, to và người đàn bà vẫn tiếp tục đi tìm những kiểu gương nữa về treo lên tường, kê cả quanh mâm cơm để sống thường trực với gương mà nói được rất nhiều về thân phận con người. Đó dường như là người đàn bà xuân sắc nhưng lỡ thì nên tự cầm tù nhan sắc mình trong gương. Đó dường như là người đàn bà luyến tiếc nhan sắc không dứt ra được thời hoàng kim của mình. Nhưng nhan sắc đến đâu mà nhốt trong nhà gương thì nó cũng trở nên dị hình dị dạng gớm ghiếc mà thôi. Sự cô đơn đến ghê sợ ấy dường như có lỗi của cả xã hội. Đàn ông ra đi hết không trở về khiến cho đàn bà sống đến già với nhan sắc của mình. Chất nhân văn tự nó tóa ra. Và lòng ta cũng ứa nghẹn cùng người đàn bà: “Nước mắt rơi vào cơm/Gương khóc”. Gương không chỉ làm cái việc phản ảnh sự khóc của người soi mà chính gương cũng khóc. Lạnh lùng thay, cô đơn thay thân phận con người.
Ở bài thơ “90 tuổi” tác giả cũng viết về một người phụ nữ nhưng tuổi rất cao, thượng thượng thọ, 90 tuổi. Cụ có con trai, con gái, con dâu, con rể hẳn hoi. Nhưng khi dựng vợ gả chồng con xong cụ liền cô đơn vì người chồng xương cốt ở chiến trường từ khi cụ mới ba mươi tuổi. Tại sao cụ cô đơn? Vì sống dựa con cháu thì phải “Đúng cũng im/Sai cũng phải im”. Thậm chí khi đau yếu nằm viện cụ vẫn phải tự ăn, tự dọn dẹp lấy việc. “Cô con dâu mải mê đọc sách/Chữ lọt vào khe cửa/Chữ lại đi”. Còn “Người con trai dựa lưng nơi cửa/Rụng/ mặt/ mình/ xuống/ chân”. Nghệ thuật dùng hình ảnh đặc trưng kết hợp câu chữ mới lạ thật có hiệu quả ám ảnh day dứt người đọc. Viết về người làm nghề phê bình văn học, tác giả rất trân trọng vì mình chính là người sáng tác văn học và người ấy đúng là Tử Kì của Bá Nha:
Mở đêm
Gom hương từng giọt nước
Gọi ban mai
Đi giữa miền thơ
…
Treo chữ lên giấy trắng
Bao nhiêu
Là
Trái tim
(Bao nhiêu là trái tim)
Bên cạnh việc trải lòng với thân phận con người xã hội thì với Nguyễn Việt Bắc trong tập thơ mới nhất này anh dành rất nhiều cảm xúc cho quê hương mình, vùng quê Nguyệt Đức mến yêu. Ngay tên tập thơ “Một mình trăng lên” anh cũng đã dành cảm xúc cho quê hương rồi. Thật vậy, trong tập anh có một vệt bài về quê nhà: “Chợ làng”, “Ao làng”, “Em theo ra phố”, “Cổng làng”, “Sáo diều”, “Người làng”… Đó là một quê hương đẹp vẹn nguyên trong hoài niệm:
Cổng làng xưa có còn đâu
Câu thơ vượt cạn
Mái đầu
Phơ phơ
(Cổng làng)
Có bà
Quần vá
Áo nâu
Bàn chân cấu nắng
Trên đầu nón mê
Bà ngồi
Bán quả
Vườn quê
Dăm ba quả ớt tái tê cả chiều
(Chợ làng)
Tôi đi về phía sáo diều
Bóng dài nửa thửa nhạt chiều sương bay
Nắm bàn tay
Xòe bàn tay
Muốn tìm lấy gió của ngày xa xưa
(Sao diều)
Tuy nhiên quê hương có nhiều đổi mới theo sự phát triển chung của đất nước. Đổi mới là mừng nhưng sự phá vỡ những giá trị truyền thống quá nhanh dường như có một chút gì đó chưa tính toán kĩ nên tác giả không khỏi chạnh lòng:
Xóm quê
Đường rộng
Nhà cao
Mà tìm không thấy cái ao của làng
(Ao làng)
Không còn ao thì còn đâu cảnh cây đa, giếng nước sân đình muôn thuở làng quê Việt nữa. Thậm chí cái cổng làng đưa đón người đi người về bao đời nay cũng bị phá đi, chẳng biết là vui hay là buồn:
Bây giờ
Không có cổng làng
Em đem cả vạt nắng vàng
Đi chơi
(Cổng làng)
Làng quê nghèo muốn đổi mới nhanh không thể tránh khỏi cách “đổi đất lấy công trình”. Rồi bờ xôi ruộng mật cứ teo tóp dần dành đất cho công nghiệp, cho đô thị. Vẫn biết đó là con đường đi lên tất yếu, nhưng người nông dân chưa đủ điều kiện sống với công nghiệp với đô thị nên nhà thơ không khỏi xót xa cho thân phận của họ:
Ruộng vườn cứ tượt khỏi tay
Bữa ăn không ớt mà cay đắng lòng
(Chợ làng)
Tình cờ gặp người làng ở bệnh viện, thấy người làng tìm tiền đáy túi trả tiền viện còn vương hạt thóc kẹp trong đó nhà thơ chia sẻ:
Bao giờ
Mới hết cái nghèo
Người làng
Phận mỏng
Bọt bèo trôi sông
(Người làng)
Tác giả chợt nhận ra đã lâu không về thăm quê và cũng chưa đóng góp được gì nhiều cho quê nên lòng dặn lòng:
Nợ quê
Tôi nợ rất nhiều
Bây giờ
Thêm nợ cái chiều hôm nay
(Chợ làng)
Quê hương trong đổi mới còn nhiều nhốn nháo nhưng dù sao vẫn là nơi chốn nhau cắt rốn, vẫn là điểm tựa tinh thần vững chãi của mỗi người. Ở đó có tình thương đầy ắp cha mẹ dành cho, kể cả khi cha mẹ không còn trên đời:
Sen thơm như thể bùa mê
Cầm tay con thấy mẹ về thăm con
(Hạt sen)
Hình ảnh quê hương Nguyệt Đức cụ thể của tác giả biến thành hình ảnh mặt trăng sáng trong thơ chính là phần soi rọi của quê hương nâng bước mỗi người. Và quê hương ấy cũng sáng lên, tươi lên trong con đường đi về phía trước. Đó là niềm tin cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai:
Mặn mà cái miệng cười xinh
Lần đầu
Em
Đứng
Một mình
Trăng lên
(Trăng lên)
Tình yêu quê hương hòa quyện trong tình yêu đôi lứa. Hỉnh ảnh người con gái sáng như vầng trăng nghĩa là nơi ấy, quê nhà, lúc nào trăng cũng sáng.