khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 05/11/2013 - 08:08

Các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở Quế Võ

Để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hàng năm HĐND, UBND huyện Quế Võ đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh.

Năm 2012, Quế Võ đã mở 60 lớp tập huấn kỹ thuật cho 7.100 lượt hội viên nông dân; tổ chức 5 cuộc hội thảo đầu bờ về các mô hình sản xuất mới. Triển khai các mô hình trồng lúa thuần, lúa chất lượng cao bằng giống Tám hương tại HTX nông nghiệp Vệ Xá xã Đức Long; sản xuất lúa chất lượng cao QR1 tại thôn Quế Ổ xã Chi Lăng, đạt năng suất 73 tạ/ha; giống lúa lai PHB 71 tại xã Việt Thống, Đại Xuân, diện tích 20 ha.

Ngoài ra còn có một số mô hình trình diễn khuyến nông như gieo cấy giống lúa KT06 diện tích 10 ha tại Đức Long, giống GS 333 tại xã Cách Bi, Nghi hương 725 tại Ngọc Xá, diện tích 1 ha; mô hình sản xuất giống khoai tây kháng bệnh virus tại HTX Mộ Đạo xã Mộ Đạo; mô hình chăn nuôi gà thả vườn ở Cách Bi, Phù Lương, Bồng Lai; nuôi bồ câu Pháp tại Ngọc Xá, nuôi cá trê vàng ở Từ Phong Cách Bi, nuôi ốc nhồi ở Nhân Hòa, cá chép lai ở Can Vũ, Việt Hùng...

Riêng mô hình chuyển đổi phương thức nuôi trồng thủy sản bán thâm canh sang thâm canh tăng năng suất, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa được triển khai tại Yên Giả, Việt Hùng, có 26 hộ tham gia, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, toàn huyện có 118 HTX, trong đó 114 HTX Nông nghiệp, 2 HTX thủy sản, 2 HTX chăn nuôi. Ngoài chức năng thực hiện tốt công tác chỉ đạo sản xuất, nhiều HTX bước đầu đã tổ chức sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Điển hình như việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, sau khi dồn điền đổi thửa, diện tích các thửa ruộng lớn hơn, hệ thống bờ vùng được quy hoạch đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các địa phương đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Toàn huyện đã có 15 máy gặt đập liên hợp, 50 máy cày cỡ trung, hàng nghìn máy cày nhỏ, máy tuốt lúa và máy nông nghiệp khác được đưa vào sản xuất. Nhiều HTX đã hình thành các tổ hợp tác làm dịch vụ các khâu như làm đất, thu hoạch, bảo vệ thực vật… Việc đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng luôn được huyện quan tâm, đảm bảo hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới thủy lợi trên địa bàn đến năm 2020.

Để tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quế Võ luôn chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ. Năm 2010, tổng mức kinh phí hỗ trợ toàn huyện thực hiện hơn 9 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và hơn 1,9 tỷ đồng từ ngân sách huyện cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, xây bể khí bioga. Năm 2011, mức hỗ trợ được thực hiện nâng lên hơn 10,9 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 2,7 tỷ đồng từ ngân sách huyện; năm 2012 là hơn 5,5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, 2 tỷ đồng từ ngân sách huyện.

Thời gian tới, Quế Võ xác định giữ ổn định diện tích gieo trồng lúa gắn với tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất. Chú trọng hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo chuyển biến mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ nông nghiệp như trợ giúp kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm ổn định đời sống của lao động nông nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khuyến khích mô hình hợp tác xã kiểu mới, loại hình tổ chức kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể trong khu vực nông nghiệp. Đồng thời định hướng, quy hoạch phát triển hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn nhằm tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của địa phương.

Thành Trung
Top