Cây nghệ dễ trồng, ít sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, cho thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng/ha.
Sau 9 tháng, cây nghệ phát triển tốt và cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/sào. Anh Nguyễn Minh Hồng ở thôn Rền, xã Cảnh Hưng cho biết: Khi dự án mới triển khai, gia đình anh chỉ đăng ký trồng 2 sào nghệ. Qua một vài vụ, anh và nhiều người dân trong thôn nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với những cây trồng thông thường trong khi vẫn có thể trồng xen canh thêm cây lạc, đậu tương... Hiện tại, gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng nghệ lên 6 sào. Sau khi trừ các chi phí, mỗi sào nghệ cho thu lãi hơn 10 triệu đồng và được Công ty Cổ phần Dược Bắc Ninh đến tận nơi để thu mua.
Trao đổi với ông Lương Đức Bằng, Trưởng phòng KCS-Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty Cổ phần Dược Bắc Ninh, trong thời gian qua Công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ các dược liệu thiên nhiên và được người tiêu dùng tín nhiệm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với việc mở rộng các vùng dược liệu tại các địa phương, Công ty thường xuyên phối hợp với Viện Dược liệu Trung ương, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gen cây trồng (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) trong việc lai tạo chọn giống, nhằm tăng năng suất và hàm lượng hoạt chất trong cây dược liệu.
Trong năm 2014, nhà máy với hệ thống thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP-WHO của Công ty trên diện tích 2,6ha tại KCN Quế Võ sẽ đi vào hoạt động, chiết xuất các hoạt chất Curcumin (từ cây nghệ), Zerumbone (từ cây gừng gió), tinh dầu từ cây trầu không... dự kiến mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn nguyên liệu. Đây là các thành phần quan trọng để sản xuất các loại thuốc đặc trị về các bệnh tim, mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, ung thư, tiểu đường... Để chủ động trong nguồn nguyên liệu, Công ty đang tích cực triển khai ký hợp đồng với các địa phương, nông lâm trường nhằm quy hoạch vùng trồng dược liệu phù hợp và kiểm soát chất lượng cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những kết quả ban đầu cho thấy, trồng cây dược liệu sẽ góp phần tạo bước chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác. Song để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định, quy hoạch vùng trồng dược liệu, góp phần kiểm soát chất lượng dược liệu từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch (theo tiêu chuẩn VietGAP).