Ông Trần Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lai bộc bạch. Năm nay chỉ tiêu về sản xuất vụ đông đã giảm so với năm 2012 nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa hoàn thành được 30% diện tích được giao”.
Vụ Đông năm 2013, Xuân Lai được phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giao trồng 68ha cây màu vụ đông. Ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về sản xuất vụ xuân, vụ mùa và vụ đông, đặt ra nhiều biện pháp thực hiện chỉ tiêu. Quyết tâm đó thể hiện ở việc cả hệ thống chính trị vào cuộc, với nhiều buổi họp chỉ đạo tới từng HTX, nhiều đợt tuyên truyền qua các Hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…
Gia đình chị Nguyễn Thị Tám đang khắc phục diện tích ngô bị đổ do ảnh hưởng của bão Hayan.
Ông Trần Văn Cẩn, chủ nhiệm HTX Phú Thọ cũng bày tỏ: “Ngay khi nhận được chỉ tiêu, chúng tôi đã tổ chức hội nghị xã viên để thống nhất chủ trương, quan điểm, rồi tôi cùng Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn đến từng nhà vận động, thế mà dân cũng không sẵn sàng hưởng ứng”.
Theo ông Hoa có 2 lý do chính mà Xuân Lai gặp khó trong sản xuất vụ đông đó là điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp và thu nhập từ cây vụ đông quá thấp. So với các địa phương khác trên địa bàn huyện Gia Bình, diện tích canh tác của xã Xuân Lai tương đối lớn (550ha), trong khi chất đất thịt nặng ở đồng đất nơi đây được đánh giá là không phù hợp với nhiều loại cây vụ đông, các HTX đã từng cố gắng nhưng không đạt hiệu quả và đành chấp nhận bỏ trống nhiều diện tích. Lao động chính tại địa phương hiện nay chủ yếu đi làm ăn xa hoặc tham gia vào làng nghề có thu nhập cao hơn nên họ chỉ tranh thủ thời gian trồng cây vụ đông với tâm lý đủ dùng chứ không phải phát triển kinh tế.
Trên cánh đồng thôn Phú Thọ, gia đình chị Nguyễn Thị Tám đang dựng lại những cây ngô sau ảnh hưởng của cơn bão Haiyan vừa qua cho biết: “May mà trận bão này không ảnh hưởng nặng và vẫn còn khắc phục được, chứ mưa gió to hơn chút nữa là gia đình tôi mất trắng cả ruộng ngô này rồi, mặc dù thu nhập không nhiều nhặn gì”. Theo chị, vài năm nay gia đình chị có trồng 1 sào ngô nếp, sau khi trừ hết chi phí và tiền giống đã được hỗ trợ, thu hoạch về được 500 đến 800.000 đồng. Khoản tiền ấy là công sức sau 2 tháng chăm bón ở ngoài đồng ruộng trong điều kiện thời tiết thuận lợi và không gặp rủi ro về sâu bệnh. So với việc đi làm phụ hồ hoặc làm thêm ở làng nghề (mỗi ngày được hơn 100.000 đồng) thì quả thực thu hoạch từ cây vụ đông chẳng đáng là bao. Đó chính là lý do mà người dân ở thôn Phú Thọ, mặc dù cơ bản là thuần nông, nhưng lại không mặn mà làm vụ đông.
Trước những khó khăn đó, xã Xuân Lai đang tính tới việc tiến hành xây dựng các mô hình HTX điểm trồng cây vụ đông và nghiên cứu đưa vào một số giống cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao. Theo ghi nhận, tình hình của Xuân Lai trong sản xuất vụ đông cũng là nỗi lo chung của các xã ở huyện Gia Bình không có diện tích đất bãi màu mỡ như Bình Dương, Quỳnh Phú… Riêng vấn đề người dân không mặn mà với cây vụ đông do thu nhập thấp đang thực trạng mà ngành Nông nghiệp phải tháo gỡ. Vì vậy, việc đưa vào các cây trồng phù hợp với điều kiện đồng đất ở mỗi địa phương để nâng cao năng suất, thu nhập cho nông dân là điều mà các địa phương rất trông chờ vào sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp.