khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 15/11/2013 - 09:02

“Phố cổ” Bắc Ninh

Bắc Ninh trong quá khứ là tỉnh cửa ngõ của kinh thành Thăng Long. Vị trí địa lý đặc biệt cùng sự thâm nhập của các giáo sỹ phương Tây khiến Bắc Ninh sớm hình thành những dãy phố mang dáng dấp đô thị thời Pháp thuộc. Những dãy phố đó ngày nay vẫn còn và được người dân ưu ái gọi với cái tên “khu phố cổ”.

Bắc Ninh nằm giữa kinh đô Thăng Long với miền địa đầu giáp với Trung Quốc. Do có quốc lộ lên phía Bắc chạy qua nên vị trí quân sự của Bắc Ninh cực kỳ hệ trọng. Năm 1831 trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Khi đó, đây là một tỉnh rất lớn bao gồm toàn bộ Bắc Ninh hiện nay, gần hết Bắc Giang, một phần Hà Nội, một phần Vĩnh Phúc và một ít của Lạng Sơn.

Ngay từ cuối thế kỷ 17 các giáo sĩ phương Tây đã xâm nhập và coi Bắc Ninh là địa phận đầu mối của công cuộc truyền giáo ở miền Đông xứ Bắc Kỳ. Giữa năm 1882 viên lãnh sự Pháp ở Hà Nội và viên chưởng lý Aumoitte tới Bắc Ninh để chuẩn bị cho những kế hoạch quân sự ở Bắc Kỳ. Năm 1888, Giám mục Antonio Colomer Lễ tiến hành xây dựng ngôi nhà thờ Chính Tòa của giáo phận Bắc Ninh, khánh thành vào năm 1892. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự hình thành của những dãy phố mang dáng dấp đô thị phương tây ở Bắc Ninh kéo dài từ khu vực Cổng ô qua thành cổ Bắc Ninh, nhà thờ chính đến Bách hóa tổng hợp ngày nay (nay thuộc địa phận 2 phường Ninh Xá, Tiền An).

Sau kháng chiến chống Pháp, người dân được tạo điều kiện phân đất, làm nhà sinh sống trên phố. Khu chợ trung tâm được di dời xuống khu vực chợ Nhớn ngày nay. Trên nền đất chợ cũ hình thành một dãy phố mới nay là đường Trần Hưng Đạo.

Ông Nguyễn Khắc Bảo, 67 tuổi, chủ hiệu thuốc gia truyền Lang Chọi đã sinh sống trên dãy phố Trần Hưng Đạo gần 60 năm nhớ lại: “Năm tôi khoảng 6-7 tuổi, gia đình tôi chuyển đến đây sinh sống để tiện cho công việc làm ăn, buôn bán. Lúc đó, dãy phố này mới được hình thành gồm toàn những căn nhà một tầng lợp ngói nên được gọi là phố Ngói. Đa phần dân cư sinh sống là xã viên hợp tác xã từ khắp nơi về. Còn lại là các hộ buôn bán nhỏ lẻ. Ngay từ thời đó, đây đã là trung tâm của thị xã, nơi tập trung các cơ quan công quyền, rạp hát, nhà thờ, cửa hàng mậu dịch… nên khá nhộn nhịp. Ngoài giờ học, tôi thường phụ gia đình những việc lặt vặt trong cửa hàng, thỉnh thoảng ra phố xem người ta xếp hàng đổi tem phiếu ở cửa hàng mậu dịch chỗ Bách hóa tổng hợp ngày nay”.

Theo thời gian, số gia đình đổ về đây sinh sống ngày càng đông, dãy phố vì thế cũng dần được kéo dài, mở rộng ra khu vực sau nhà thờ thường được gọi là phố Nhà Chung. Khu vực rạp hát được tận dụng xây dựng nhà máy bánh kẹo rồi giải tỏa hình thành khu phố Rạp Hát. Sau thời điểm tách tỉnh (năm 1997), hoạt động buôn bán ở đây càng trở lên nhộn nhịp. Những căn nhà gác cao tầng dần thay thế những căn nhà cũ. Ngày nay chỉ còn một số ít hộ vẫn giữ lại nếp nhà xưa như gợi nhắc về một thời quá khứ đã xa.

Gia đình ông Tống Văn Báu, chủ cửa hàng bán đồ điện gia dụng tại góc ngã ba giữa phố Ngô Gia Tự và Trần Hưng Đạo có thể coi là hộ duy nhất vẫn sinh sống và kinh doanh trong căn nhà cổ được xây dựng từ những năm 1952. Căn nhà chỉ rộng khoảng gần hai chục mét vuông nhưng là nơi cả gia đình ông đã sinh sống hơn 60 năm nay.

Ông Báu cho biết: “Gia đình tôi là một trong số những nhà đầu tiên dọn đến ở phố này. Hồi đó nhà tôi thuộc dạng đẹp nhất phố. Tôi cũng già rồi, con cái đều đã trưởng thành lập gia đình, chuyển ra ở riêng nơi khác nhưng vẫn không thể xa nơi này được. Hằng ngày mở cửa hàng, nhìn phố phường tấp nập, gặp gỡ người nọ người kia quen rồi. Nhiều khách vẫn mua hàng của tôi từ mấy chục năm nay vì thế vẫn kinh doanh được”.

Ông Bảo và ông Báu có lẽ là những người chứng kiến rõ nhất sự đổi thay của khu phố suốt hơn nửa thế kỷ qua. Những người gắn bó gần như cả cuộc đời với khu phố như các ông không còn nhiều. Không ít người đã bán nhà chuyển chỗ ở, người mới đến lại tiếp tục công việc làm ăn mới. Phố xá cũng ngày càng nhộn nhịp, đông vui, người xe qua lại ngược xuôi, hàng quán mọc lên san sát. Dù vậy vẫn có những góc nhỏ, những con người vẫn luôn nhớ về một Bắc Ninh xưa cũ với những căn nhà mái ngói liền kề, tiếng còi tàu giục giã hàng đêm báo hiệu trời sắp sáng…

Linh Yên
Top