Hậu quả do TNGT hết sức khủng khiếp, con thơ mất cha, mẹ hay mẹ già quặn thắt nặng trĩu gánh nặng chăm cháu thay con bởi có đến 70% người bị TNGT là thanh niên, trung niên đang đảm đương trách nhiệm trụ cột, là lao động chính trong gia đình. Vì vậy, TNGT không chỉ làm nhiều người thiệt mạng, bị thương, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo, tái nghèo, xã hội tụt hậu.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày cả nước có hơn 30 người tử vong do TNGT, hàng trăm người mang thương tật, vĩnh viễn mất đi sức lao động. Điều đó đồng nghĩa với mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt
Năm 2012 đã có 9.838 người chết, 38.060 người bị thương; đến giữa tháng 10 năm 2013 TNGT lại cướp đi sinh mạng của 7.812 người và làm 24.378 người khác bị thương.
Đáng báo động là hơn 90% các vụ TNGT do thiếu ý thức chấp hành Luật khi tham gia giao thông của con người. Phóng nhanh vượt ẩu; đi sai làn đường phần đường; lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách, kém chất lượng; uống rượu, bia quá nồng độ cho phép khi điều khiển các phương tiện giao thông; cố tình chở quá số người qui định; không nghiêm túc chấp hành các qui định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và tình trạng vi phạm hành lang ATGT; lái xe và các cơ sở kinh doanh vận tải vi phạm các qui định về ATGT; công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải và hoạt động tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế; phương tiện giao thông gia tăng, nhiều tuyến giao thông bị hư hỏng, xuống cấp, mặt đường hẹp, không có lề đường, có nhiều khúc cua gấp làm hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông… là con đường gần nhất dẫn tới TNGT.
Đặc biệt, những năm gần đây trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó có Luật Giao thông có xu hướng gia tăng. Các em đang ở lứa tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý muốn tự khẳng định mình nên dễ bị tác động, lôi kéo. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô hãy là những người bạn, người hướng dẫn giúp các em có những hành vi đúng, suy nghĩ đúng về trách nhiệm chấp hành pháp luật. Mỗi việc làm chuẩn mực của người lớn là cách giáo dục hữu hiệu nhất tạo thành ý thức, văn hoá giao thông và cao hơn là nhân cách cho các em vững vàng trong cuộc sống.
TNGT đang là vấn nạn làm đau đầu các ngành chức năng bởi bên cạnh các giải pháp kiềm chế mà các cơ quan quản lý đưa ra, một giải pháp quan trọng nhất đó là giáo dục ý thức chấp hành các qui định khi tham gia giao thông như đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia: “Tuy tiêu chí văn hóa giao thông đã được ban hành nhưng chậm so quy định nên khó khăn, lúng túng trong việc triển khai; ý thức văn hóa giao thông của người tham gia giao thông chưa có nhiều chuyển biến…”. Ý thức chủ quan, cẩu thả, coi thường quy định luật pháp chính là bài học phải trả bằng máu cho các nạn nhân của TNGT.
Năm nay, Bắc Ninh lại cùng với cả nước đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo về thảm họa do TNGT. Đây là dịp để mọi người chia sẻ gánh nặng với nạn nhân, gia đình nạn nhân tử vong vì TNGT; nêu rõ nguyên nhân và nguy cơ gây TNGT; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời cũng là lúc mỗi người tự nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng cần nâng cao ý thức, nhận thức trong việc chấp hành luật pháp về ATGT và phòng tránh TNGT... góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn, văn minh.
Việc kiềm chế và tiến tới đẩy lùi TNGT là trách nhiệm nặng nề cần sự chung tay của toàn xã hội, nhưng trên hết là ý thức chấp hành luật pháp của mỗi người là yếu tố quyết định sinh mạng của chính mình khi tham gia giao thông, đem lại bình yên hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Nỗi đau không thể nguôi ngoai
(Ông Trần Thế Nhường, thôn nhân Hữu, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, bố nạn nhân Trần Thế Thuyết, sinh năm 1976)
Tôi đã từng trải qua chiến tranh, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và bản thân bị thương tật mất 25% sức khỏe, song dường như tôi vẫn không thể vượt qua nỗi đau mất con do tai nạn giao thông. Vợ chồng tôi làm ruộng vất vả, chắt chiu được chút tiền, rồi vay mượn thêm của bà con hàng xóm để cho cháu đi học sửa chữa xe máy và mở cửa hàng cho cháu làm ăn. Tưởng cuộc sống sẽ ổn định, vậy mà chỉ trong một lần đi thử xe cho khách, do chiếc xe mô tô đi cùng chiều cố tình vượt lên khiến con tôi bị tai nạn và tử vong tại chỗ. Cháu ra đi đã gần chục năm nay, nhưng gia đình tôi vẫn không nguôi ngoai được nỗi đau ấy. Tôi chỉ mong mỗi người tham gia Giao thông hãy chấp hành nghiêm Luật để không còn gia đình nào phải chịu mất mát như chúng tôi.
Mong sự bình yên, hạnh phúc trở lại
(Bà Nguyễn Thị Thọ, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Trung)
Cái ngày kinh hoàng khiến 2 con trai mất mạng ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Các cháu bị tai nạn giao thông năm 2010, khi chúng đi ăn cỗ ở Sóc Sơn (Hà Nội), rồi dừng xe để mua ngô ở ven đường thì bị chiếc xe ô tô kéo đi và tử vong tại chỗ. Từ khi các con tôi ra đi, quả thực tôi không còn muốn sống, nhưng vì vợ con chúng nó, tôi cố gượng cho qua ngày làm chỗ dựa tinh thần cho các cháu. Đứa lớn để lại cho vợ 3 đứa con thơ dại, đứa bé mất lúc con mới được 2 tháng tuổi. Tôi như đứt từng khúc ruột, còn nỗi đau nào lớn hơn thế nữa!. Hiện hoàn cảnh gia đình tôi rất nghèo khó, vẫn phải nhờ sự trợ giúp của Nhà nước và bà con hàng xóm. Bao giờ niềm vui, hạnh phúc sẽ trở lại với gia đình chúng tôi! Nỗi đau do tai nạn giao thông thực sự quá lớn. Hy vọng sẽ không có gia đình nào phải chịu cảnh tang thương như chúng tôi.
Tai nạn đã cướp đi hạnh phúc cả đời của em
(Nạn nhân Nguyễn Văn Đức, thôn Đông Thái, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong)
Có lẽ tôi may mắn hơn nhiều bạn trẻ khác là vẫn giữ được mạng sống khi bị tai nạn giao thông trên Quốc lộ 18 mới, đoạn thị trấn Phố Mới (Yên Phong), nhưng nó cũng cướp đi hạnh phúc cả đời của tôi. Bố mẹ thì còng lưng làm lụng để kiếm tiền chạy chữa, vợ con chê không ở cùng, bản thân đi xin việc thì không doanh nghiệp nào nhận vì tôi không đủ sức khỏe, mất một chân. Tôi là con trai duy nhất trong nhà mà không giúp được gì cho bố mẹ, nên tôi thực sự thấy chán nản và mất phương hướng. Mong rằng các bạn thanh niên đừng dại dột như tôi uống rượu rồi phóng nhanh, vượt ẩu để dẫn đến hậu quả đau lòng này.
Tôi mong không có đứa trẻ nào phải mất cha, mất mẹ vì tai nạn giao thông
(Ông Nguyễn Văn Nghi, thôn Đan Quế, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, bố nạn nhân Nguyễn Đức Nhật)
Con trai tôi mất do tai nạn giao thông từ năm 2004, để lại duy nhất đứa con gái mới được 4-5 tuổi. Vợ nó còn quá trẻ, chúng tôi nhận nuôi cháu để con dâu đi làm ăn và nếu gặp duyên thì đi bước nữa cho đỡ khổ. Nhìn cháu lớn lên thiếu thốn tình thương yêu, giáo dục của cha mẹ, tôi thực sự xót xa. Hiện cháu đã học lớp 9, không phụ công chăm sóc của ông bà, cháu rất chăm ngoan, học giỏi. Chúng tôi cũng lấy đó làm niềm vui lúc tuổi già. Tôi mong trong xã hội này không còn đứa trẻ nào phải mất bố hoặc mẹ do tai nạn giao thông, bởi nó là nỗi mất mát quá lớn, không gì có thể bù đắp.
Hãy chấp hành nghiêm luật giao thông để không còn gia đình nào chịu nỗi đau mất người thân
(Chị Nguyễn Thị Hòa, khu Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, vợ, mẹ nạn nhân Thang Văn Sanh và Thang Văn Sáng)
“Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất chồng vì tai nạn giao thông năm 2002, thì năm 2012, con trai cả của tôi cũng mất vì tai nạn giao thông trên đường đi làm về khi mới 25 tuổi. Đối với tôi, thực sự đó là những nỗi đau quá lớn. Khi chồng mất, vì ba đứa con còn thơ dại tôi đã gắng gượng vượt qua, một mình bươn trải đi làm ruộng, làm thuê để lấy tiền nuôi con ăn học, thành người. Khi nghe tin con trai mất, tôi tưởng như mình không thể sống nổi nhưng vì con, vì cháu một lần nữa tôi lại tự động viên mình phải vượt qua. Tai nạn giao thông đúng là không trừ một ai, cũng không ai có thể đong đếm được hết nỗi đau của những gia đình có người thân không may tử nạn vì tai nạn giao thông. Chỉ mong sao mọi người hãy chấp hành nghiêm luật khi tham gia giao thông để không còn gia đình nào phải chịu nỗi đau như gia đình tôi nữa”.