Từ kết quả này cho thấy trong khi xuất khẩu của khối DN Trung ương và địa phương tăng chậm lại, thì khối DN FDI vẫn duy trì với tốc độ tăng trưởng cao. Nguyên nhân chính khiến các DN FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn hẳn các DN trong nước là nhờ những ưu thế vượt trội đang nắm giữ như: Thị trường tiêu thụ ổn định cộng thêm những ưu đãi về thuế, về đất đai…
Tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có gần 130 DN hoạt động xuất khẩu, trong đó hơn 40 DN trong nước và hơn 80 DN FDI. Mặc dù vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế, song các DN FDI luôn đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều DN, các tập đoàn lớn chiếm ưu thế chủ đạo đã năng động, linh hoạt trong mở rộng thị phần, góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Điển hình như: Chi nhánh Công ty Canon ở KCN Quế Võ và KCN Tiên Sơn, Công ty TNHH Thực Phẩm Orion Vina KCN Yên Phong I, Nhà máy nước giải khát PEPSICO Bắc Ninh (KCN Vsip), Công ty TNHH YUTO Việt Nam (KCN Quế Võ)… Hiện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại KCN Yên Phong I chiếm khoảng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 20 tỷ USD, chiếm 17-18% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong khi đó, DN trong nước chủ yếu vẫn sản xuất quy mô nhỏ; hoạt động xuất khẩu chưa vững chắc, nên dễ bị tác động của biến đổi thị trường thế giới và sự xuất hiện của các rào cản thương mại mới của nước ngoài; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chưa hợp lý, thể hiện trên cả 3 phương diện: chủng loại hàng hoá xuất khẩu còn đơn điệu giá trị gia tăng không cao, các mặt hàng công nghiệp như dệt may, điện tử... chủ yếu vẫn còn mang tính chất gia công; khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế…
Thực tế trên cho thấy, tuy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng sự chênh lệch giữa khối DN FDI và trong nước rất lớn. Kết quả xuất khẩu của khối DN trong nước chưa có sự thay đổi mang tính đột phá. Quy mô sản xuất hàng xuất khẩu còn nhỏ, sức cạnh tranh kém, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Để hoạt động xuất khẩu của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững sẽ là “bài toán khó” đòi hỏi mỗi ngành hàng, nhóm hàng và từng vùng phải rà soát và có quy hoạch phát triển. Về phía các DN, nhất là DN trong nước cần tích cực chủ động trong việc tìm đối sách xuất khẩu hàng hóa, chiếm lĩnh và mở rộng thị trường; đổi mới tư duy thị trường, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý, tiếp cận đàm phán khách hàng; quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào các hoạt động xuất khẩu.
Các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường để các DN chủ động hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các DN xây dựng thương hiệu, giữ vững thị trường truyền thống, củng cố thị trường hiện có và khai thác thị trường mới… đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để khuyến khích sản xuất và thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều mặt hàng, ngành hàng mới đóng góp vào hoạt động xuất khẩu