khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 18/11/2013 - 08:46

Giải pháp bố trí thiết bị trên lưới nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện

Bắc Ninh đang phát triển mạnh về công nghiệp, do vậy nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng lớn. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm luôn đạt mức tăng trưởng cao, trung bình tăng khoảng 20%/năm.

Bắc Ninh hội tụ nhiều tập đoàn công nghiệp điện tử lớn vào đầu tư, đòi hỏi chất lượng nguồn điện rất khắt khe. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, việc tìm giải pháp nâng cao hơn nữa độ tin cậy cung cấp điện năng là vần đề đặt ra được ngành Điện quan tâm.

Cung cấp điện ổn định là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngành Điện. Một loạt các biện pháp chỉ đạo của ngành Điện được triển khai thực hiện để nâng cao độ tin cậy, tăng cường ổn định cung cấp điện năng. Trong đó, biện pháp trọng tâm là khuyến khích cán bộ nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sản xuất.
 

Chất lượng nguồn điện nâng cao tạo thuận lợi cho sản xuất của các doanh nghiệp. (Dây chuyền lắp ráp điện thoại di động của Nokia).

 
 

Từ đòi hỏi của thực tiễn và nhiệm vụ đặt ra, căn cứ vào hiện trạng lưới điện đang vận hành, nhóm kỹ sư thuộc Phòng Kỹ thuật và Phân xưởng Thiết kế & Xây lắp điện của Công ty Điện lực Bắc Ninh đã tìm ra lời giải, đó là bố trí thiết bị trên lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, dựa trên các chỉ tiêu sau: Chỉ số tần suất mất điện trung bình của hệ thống (SAIFI); Chỉ số thời gian mất điện trung bình của hệ thống (SAIDI); Chỉ số tần suất mất điện thoáng qua trung bình của hệ thống (MAIFI)…

 Công ty Điện lực Bắc Ninh quản lý hệ thống lưới điện tương đối lớn và phức tạp, phụ tải tập trung và có công suất lớn. Tổng số các đường dây trung áp là 75 đường dây trên 9 trạm biến áp (TBA) 110kV và 13 TBA trung gian. Tuy nhiên do quan điểm thiết kế cũ là mục đích bảo đảm vận hành, khoảng cách đúng quy trình quy phạm, mà chưa tính toán đến ổn định cung cấp điện. Do vậy khi xảy ra sự cố hoặc cắt điện có kế hoạch để cải tạo sửa chữa sẽ làm mất điện rất nhiều khách hàng, hay khi gặp sự cố như: Nổ chống sét van, đầu cáp, sứ, máy biến áp, cao thế… thì rất khó tìm ra nguyên nhân.

Mặt khác, số lượng máy cắt phân đoạn đường dây và đầu các nhánh rẽ hạn chế, đầu các tuyến cáp ngầm nhiều vị trí không có thiết bị đóng, cắt, hoặc có nhưng bố trí không bảo đảm an toàn khi thực hiện công việc phía sau, nên khi sửa chữa vẫn phải cắt điện cả đoạn đường dây phía trước, ảnh hưởng nhiều đến khách hàng.

Để khắc phục nhược điểm này, các kỹ sư của Phòng Kỹ thuật và Phân xưởng Thiết kế & Xây lắp điện đưa ra giải pháp: Bố trí thiết bị tại cột đấu nối cáp ngầm và và tạo điểm tiếp địa an toàn sao cho phù hợp cho các vị trí đấu nối cáp ngầm trung áp. Điều chỉnh các phương pháp lắp đặt chống sét van đường dây và TBA. Chống sét van đường dây không lắp đặt cố định trên xà mà lắp đặt kiểu treo trên dây dẫn, mục đích khi có sự cố thì không gây ngắn mạch hay om sự cố trên đường dây, nên có thể vận hành bình thường trong khi chờ kết hợp cắt điện để thay thế. Mặt khác chỉ cần quan sát kiểm tra đường dây là có thể phát hiện ngay sự cố, giảm các chi phí và thời gian tìm nguyên nhân.

Tại các TBA, lắp đặt chống sét van loại có điện áp Ur=42kV cho lưới 35kV và loại có Ur=18kV cho lưới 22kV để bảo vệ an toàn cho các thiết bị tại TBA. Giải pháp này còn giảm một lượng lớn khách hàng mất điện khi thao tác sửa chữa thay thế chống sét van.

Hiện nay số lượng máy cắt phân đoạn đường dây và đầu các nhánh rẽ rất hạn chế, do vậy khi có sự cố trên đường dây đều làm nhảy máy cắt đầu nguồn gây mất điện trên diện rộng. Biện pháp khắc phục là phân đoạn đường dây bằng cách đặt máy cắt recloser tại đầu các nhánh rẽ đường dây. Đặt bảo vệ chạm đất có hướng cho các bộ recloser và máy cắt đầu nguồn.

Những năm trước đây bảo vệ chạm đất chỉ đơn thuần là khi phát hiện có điện áp 3Uo đạt đến một ngưỡng nhất định (khoảng 50V) thì sẽ đưa tín hiệu đi cắt sự cố, như vậy với bất kể sự cố chạm đất phía trước hay phía sau thiết bị bảo vệ thì rơle đều ra lệnh tác động vì thế rất dễ tác động nhầm không cắt được sự cố. Do vậy cần thiết phải đưa bảo vệ chạm đất có hướng vào làm việc để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Sau khi đưa các giải pháp về việc thực hiện lắp đặt và bố trí hợp lý thiết bị trên lưới điện đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Giảm đáng kể các sự cố do sét gây ra, vận hành linh hoạt lưới điện, số khách hàng bị mất điện do sự cố hay cắt điện có kế hoạch đều giảm đáng kể, từ việc mất điện cả tuyến đường dây giờ chỉ bị mất điện một khu vực nhỏ, các chỉ tiêu ổn định cung cấp điện SAIFI, SAIDI và MAIFI giảm rõ rệt…

Sự thành công sau khi áp dụng các giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đã đem lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tiến độ công việc, tăng năng suất lao động, đáp ứng các chỉ tiêu ổn định cung cấp điện, nâng cao chất lượng nguồn điện, tăng niềm tin của khách hàng, góp phần tăng lượng điện thương phẩm và doanh thu của Công ty.

Bài, ảnh: Thái Uyên
Top