khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 19/11/2013 - 09:08

Ngô Gia Tự - Cuộc đời và sự nghiệp

(Tiếp theo kỳ trước)

Sau Hội nghị Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng ngày 21-7-1929, đồng chí Ngô Gia Tự lên đường vào Nam với nhiệm vụ giải tán Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và lập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Vào tới Sài Gòn, Ngô Gia Tự bắt tay ngay vào công việc. Lúc đầu đồng chí ở tại một biệt thự đường Anbe Đệ Nhất (nay là đường Đinh Tiên Hoàng). Sau đó đồng chí xuống căn nhà lá ở bến đò Thủ Thiêm. Cùng ở với Ngô Gia Tự còn có các đồng chí Lê Văn Lương, Phan Đức, Tụ, Phạm.

Theo sự chỉ đạo và phân công của đồng chí Ngô Gia Tự, các đồng chí cùng đoàn được phân công và đi ngay vào các xí nghiệp, bến cảng, nhà máy để bắt liên lạc với cốt cán và lẩn theo phu người Thái Bình, Nam Định vào làm trong các đồn điền cao su. Đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) làm công nhân ở hãng Pha Xi (FACI); đồng chí Ngô Gia Tự làm công nhân khuân vác tại bến tàu, sau làm thợ tại hãng rượu Bình Tây, hãng đóng tàu Ba Son…

Để được công nhận là một chi bộ của Quốc tế Cộng sản, cuối năm 1929 đồng chí Ngô Gia Tự cử đồng chí Hạ Bá Cang bí mật sang Pháp, mang theo thư xin gia nhập Quốc tế Cộng sản cùng các văn kiện khác như: Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mà chính đồng chí Ngô Gia Tự đã dịch ra tiếng Pháp để nhờ Đảng Cộng sản Pháp chuyển đến Quốc tế Cộng sản, hồi ấy đóng trụ sở ở Matxcơva.

Bằng hoạt động tích cực của Ngô Gia Tự và các đồng nghiệp, một số cơ sở cách mạng và tổ chức đảng đã được thành lập. Đến tháng 12-1929 ở Sài Gòn đã có hai chi bộ Đảng: chi bộ Nhà máy đèn Chợ Rẫy (Chợ Lớn) và chi bộ trong học sinh. Ngoài ra còn một số đảng viên lẻ ở các hãng FACI, xe lửa, xe điện, bồi bếp và thủy thủ…

Cùng với việc xây dựng cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, đồng chí Ngô Gia Tự còn mở rộng địa bàn hoạt động sang các vùng lân cận, đồng chí đã liên lạc với Nguyễn Xuân Cừ, Trần Tử Bình và xúc tiến việc thành lập chi bộ Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng, tháng 10-1929.

Cuối tháng 11-1929 đồng chí Ngô Gia Tự xuống Mỹ Tho triệu tập cuộc họp và thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại xã Vĩnh Kim. Sau hội nghị thành lập chi bộ, các đảng viên tiếp tục tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng và lập chi bộ ở các địa phương khác thuộc vùng đồng bằng Nam Bộ.

Trong một thời gian ngắn, từ tháng 9-1929 đến đầu năm 1930 đồng chí Ngô Gia Tự đã xây dựng được nhiều cơ sở Đảng ở Nam Kỳ: Nhà máy Ba Son và FACI, nhà đèn Chợ Rẫy, hãng rượu Bình Tây, hãng dầu Nhà Bè, đồn điền cao su Phú Riềng, xã Vĩnh Kim.

Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 ở Việt Nam đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn. Các tổ chức trên đều có chương trình hoạt động, tuyên truyền, vận động công nhân, nông dân đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản.

Đứng trước yêu cầu đòi hỏi khách quan của lịch sử, căn cứ vào chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đúng dịp Tết Canh Ngọ (từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930) Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản đã họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã nhất trí tán thành hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau hội nghị thành lập Đảng, được ủy nhiệm của đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) đại diện Quốc tế Cộng sản, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng đứng ra thành lập Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam ở số nhà 42, phố Hàng Thiếc (Hà Nội).

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất toàn Xứ và quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ (tức Xứ ủy Nam Kỳ) được thành lập gồm 6 người: Ngô Gia Tự (tức Bách) làm Bí thư Chấp ủy. Tại Hội nghị hợp nhất Đảng, chưa có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, vì vậy ngày 24-2-1930 tại Sài Gòn, đồng chí Ngô Gia Tự đã quyết định chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ra nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 3-1930 đồng chí triệu tập hội nghị thành lập Tổng Công hội Nam Kỳ, gồm các Công hội Đỏ của nhà máy đóng tàu Ba Son, nhà đèn Chợ Rẫy, nhà máy rượu Bình Tây…

Đầu năm 1930 Ngô Gia Tự đã chỉ đạo quần chúng nhân dân lao động, thanh niên, học sinh đấu tranh, biểu tình ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh Cần Thơ, Tây Ninh.

Làm Bí thư Xứ ủy, đồng chí Ngô Gia Tự luôn chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, đồng chí đã mở nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin cho cán bộ đảng viên.

Trong lúc phong trào cách mạng trong nước đang phát triển rầm rộ khắp Bắc, Trung, Nam thì đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám Pháp bắt, trong khi đang nghiên cứu tài liệu Quốc tế Cộng sản và thảo truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè (Sài Gòn), tối thứ bảy ngày 31-5-1930.

(Còn nữa)
Top