Ngày 4-11 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Hướng, ở thôn Tiền Ngoài, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh theo điểm a, khoản 2 điều 19 của Nghị định 91/2012/NĐ-CP: “Chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh”.
Theo ông Trần Danh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh thì: Sản phẩm bánh dày do cơ sở sản xuất của anh Hướng có liên quan đến 3 vụ ngộ độc thực phẩm: 1 vụ ngộ độc ở đám cưới tại xã Yên Giả, huyện Quế Võ ngày 18-8 với 360 người ăn, 17 người mắc, 2 vụ khác cùng vào ngày 2-9 trên địa bàn thôn Giới Tế, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du với tổng số 168 người ăn, 44 người mắc. Trong quá trình điều tra cho thấy, một vài cá nhân khẳng định phân phối bánh dày tại các đám cỗ này đều từ cơ sở của anh Nguyễn Văn Hướng.
Kết quả xét nghiệm mẫu bánh dày được lấy ngay tại nơi sản xuất cho thấy có tụ cầu. Tụ cầu rất nguy hiểm bởi có thể gây ngộ độc hàng loạt. Khi chế biến bánh dày, các nguyên liệu đều được đồ chín kỹ nên nguyên nhân gây tụ cầu có thể do trong quá trình giã bánh, dụng cụ chày, cối có thể bị côn trùng, vật trung gian truyền bệnh đậu vào hoặc từ tay người chế biến (ở khâu cuối cùng, người làm bánh dày không đeo bao tay).
Cùng với đoàn cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Hướng ngay trong ngày thực hiện việc lập biên bản. Theo đánh giá của ông Chi cục trưởng, so với đợt thanh tra dịp Tết Trung thu vừa qua, thực trạng cơ sở đã tiến bộ nhiều được tu sửa, làm mới theo hướng dẫn của các thành viên trong đoàn. Anh Hướng cho biết đợt kiểm tra dịp Tết Trung thu là lần đầu tiên cơ sở tiếp đoàn kiểm tra về ATVSTP và chỉ khi được giải thích, hướng dẫn anh mới nhận thức được mối nguy từ thực phẩm không an toàn.
Thực tế, trong các cỗ cưới, gia chủ thường quan tâm nhiều đến nội dung hoặc hình thức bày biện mà ít chú ý tới việc làm sao để bảo đảm VSATTP. Những quy định cần thiết trong chế biến thực phẩm như bếp ăn một chiều, lưu mẫu thức ăn, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng hay người nấu ăn bảo đảm sức khoẻ… dường như còn rất xa lạ.
Ở nông thôn, các gia đình huy động anh em họ hàng đến nấu giúp, khu vực nấu cỗ có sạch sẽ hay không tùy thuộc nhiều vào từng vùng nông thôn và điều kiện các gia đình. Trên thành phố, các đám cưới thường thuê một nhóm người nấu cỗ và gần như tất cả những điều họ áp dụng vào một bữa cỗ đều có được do kinh nghiệm chứ không qua trường lớp nấu ăn nào. Giữa gia chủ và nhóm nấu cỗ thuê cũng chỉ thường thỏa thuận miệng về số mâm, số món chứ không có giao kèo về trách nhiệm phải bảo đảm ATVSTP. Sử dụng sản phẩm chế biến sẵn theo đơn đặt hàng (như bánh dày chẳng hạn) là một sự tiện lợi cho các đám cỗ, song điều đó cũng có nghĩa là sản phẩm có bảo đảm ATVSTP hay không tùy thuộc vào người sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Bảo đảm ATVSTP là vấn đề chưa bao giờ cũ bởi nó liên quan mật thiết và trực tiếp tới đời sống hàng ngày, tới sức khỏe của mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Cùng với lợi nhuận, uy tín và trách nhiệm xã hội cần được các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm coi trọng hơn nữa nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.