Năm 2000 tôi có đọc tiểu luận “Lưới Thơ” của Nguyễn Huy Thiệp, có đoạn kể về cụ Nguyễn Hữu Mão như sau:
Cụ Nguyễn Hữu Mão, 88 tuổi, nhà ở số 7 Ô Quan Chưởng Hà Nội là một người mê thơ kỳ lạ. Số thơ cụ làm ra trong đời có lẽ phải đến... hàng tạ! Chuyện rằng năm 1946 tiêu thổ kháng chiến, nhà đi tản cư, bao nhiêu vật quý trong nhà cụ không để ý, loay hoay thế nào mà cụ chỉ mang đi có... một gánh thơ(!). Có lần cụ ốm nặng, tưởng sắp lên tiên, người con trai vào thăm, cụ băn khoăn hỏi:
- Trong đời, anh là người con đã làm nhiều điều khiến tôi khó chịu nhất. Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ... Bây giờ gần đất xa giời, vậy tôi hỏi thật: thơ tôi hay hơn hay thơ anh hay hơn?
Anh con trai nước mắt lưng tròng:
- Thưa bố, thơ bố hay hơn thơ con là chắc!
Cụ Mão ngồi nhỏm dậy tươi tỉnh:
- Cám ơn anh, thế là anh đã báo hiếu cho tôi rồi đó... Bao nhiêu lầm lỗi của anh tôi tha cho cả...
Ở cuối tiểu luận này Nguyễn Huy Thiệp viết: Có người làm thơ như ghi nhật ký để tu thân, không in, không xuất bản. Đấy cũng là những cao nhân đáng trọng. Cũng có người làm thơ như tập thể dục, như tập đánh kiếm, để tự tu tâm rèn tính cho mình…
Thì ra trên đời này những người làm thơ để tu tâm, rèn tính, để tự sự, giải khuây cũng không phải là ít. Đã hơn mười năm rồi, chẳng hiểu sao chuyện của cụ Mão lại làm tôi liên tưởng tới một số liệu thống kê, mà số liệu này lại chẳng liên quan tý gì tới địa hạt của thơ.
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), đến năm 2012 nước ta có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ (Số lượng TS nhiều nhất khu vực), nhưng nghiên cứu khoa học lại thấp nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia cho thấy trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ, và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế. Câu hỏi đặt ra là: Trong đại ngàn tiến sỹ của ta tại sao mỗi năm chỉ có 1 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ? có năm lại không, hay là, ở một nước nào đó các tiến sĩ của ta đã đăng ký mà chúng ta chưa kịp thống kê?...
Công bằng mà xét, mặc dù không đăng ký sáng chế nhưng cũng có số ít những luận văn, luận án đã được ứng dụng hiệu quả trong chuyên môn, nghiệp vụ, còn rất, rất nhiều những luận văn, luận án, sau khi được công nhận đã được cất kỹ trong rương, trong hòm… Những luận án như thế, có lẽ cũng cốt để tu thân, giống như người tập thể dục, người tập đánh kiếm, như cụ Nguyễn Hữu Mão ở số 7, Ô Quan Chưởng làm thơ!