khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 20/11/2013 - 09:21

Y phục xứng kỳ đức

Một trong những vai trò quan trọng của luật sư là góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”. Chính vì vậy, ngày nay các phiên tòa có sự xuất hiện của luật sư ngày càng nhiều.

Ngược dòng lịch sử, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã may mắn thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hồng Kông nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình bởi ông bà luật sư Loseby. Thực tế hiện nay, nhiều vụ việc đã được sáng tỏ nhờ sự vào cuộc của các luật sư. Trên các trang báo mạng, sau các thông tin giật gân về vụ án, thường thấy các tít bài quen thuộc: Vụ án A: Hung thủ phạm tội trong trường hợp bị kích động mạnh hoặc Vụ án A: Hung thủ có thể bị truy cứu tội gì?...

Đây là dạng bài viết viện dẫn quan điểm của một luật sư nào đó về vụ án vừa xảy ra. Qua các bài viết đó, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên ít nhiều nhờ sự tuyên truyền và tư vấn pháp luật của luật sư. Tuy nhiên, thực tế hoạt động hiện nay cũng còn bộc lộ không ít khiếm khuyết, lệch lạc ở một bộ phận luật sư. Một số luật sư đã bị đưa ra xét xử vì “chạy án”, lợi dụng hành nghề để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân hoặc chống phá nhà nước. Văn hóa khi tham gia phiên tòa của luật sư cũng là vấn đề phải bàn đến.

Phiên tòa xử Nguyễn Thị Minh Tâm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra cuối tháng 9 vừa qua chật ních người dự, phần vì đông người bị hại, phần vì tính chất vụ án phức tạp liên quan đến nhiều người. Một phần khác, một trong những người bị hại thuê một vị luật sư có tiếng đến bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ. Ông là người đã bào chữa thắng một số vụ và rất chăm chỉ, nhiệt tình phát biểu trên báo về một vụ việc nào đó hoặc thông tin sẵn sàng nhận bảo vệ cho các đối tượng của những vụ án điển hình. Biết tin ông tham gia phiên tòa, nhiều người cũng đến dự để được mục sở thị.

Trong bài phát biểu bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, phải thừa nhận ông là người có tài diễn thuyết. Ông đưa ra được một số lập luận có giá trị. Tuy nhiên, trong quá trình bảo vệ thân chủ của mình, ông cũng lập luận theo kiểu dẫn dắt, suy luận đến việc một người đang được coi là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án vi phạm pháp luật. Ông cũng có những câu từ lớn tiếng chê bai những người tiến hành tố tụng năng lực yếu kém. Dù đã bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở cần tuân thủ pháp luật trong quá trình tác nghiệp tại tòa, nhưng ông vẫn phớt lờ. Chủ tọa nhắc thì cứ nhắc, luật sư nói thì cứ nói. Thậm chí khi bị chủ tọa phiên tòa yêu cầu dừng lời nhưng ông vẫn cứ nói.

Ông bảo: “Chủ tọa phiên tòa cản trở luật sư bào chữa. Tôi sẽ kiện lên lãnh đạo tòa án, sẽ nhờ báo chí lên tiếng.” Chủ tọa phiên tòa phải cứng rắn “Khiếu nại là quyền của luật sư. Sau khi phiên tòa kết thúc, luật sư muốn khiếu nại đến đâu, thông tin thế nào thì tùy. Tôi sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó theo quy định của pháp luật nhưng tại phiên tòa này luật sư phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa”.

Chỉ đến khi ấy ông mới chịu dừng. Trình độ của ông đến đâu thì có lẽ không thể thông qua một vài vụ án để có thể đánh giá được. Tuy nhiên, văn hóa pháp đình của ông thì thông qua một phiên tòa có thể thấy được khá rõ.

Ngày 14-1-2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149 công nhận ngày 10-10 hàng năm là ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Giới luật sư hân hoan chào đón Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như một sự ghi  nhận rõ ràng một lần nữa bằng văn bản về vai trò, vị trí quan trọng của luật sư trong đời sống xã hội. Người xưa có câu “y phục xứng kỳ đức”. Thiết nghĩ, tự hào bao nhiêu, giới luật sư càng cần phải cố gắng bấy nhiêu để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Muốn làm được điều đó, không chỉ trau dồi kiến thức pháp luật, họ cũng cần phải trau dồi đạo đức để gương mẫu trong chấp hành pháp luật, xứng đáng là một trong những bên quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp như Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã chỉ ra.

Vân Giang
Top