khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 20/11/2013 - 09:25

Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng

Thời gian qua, hoạt động công chứng đã góp phần làm chuyển biến công tác cải cách hành chính tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, từ khi Luật Công chứng có hiệu lực và sự xuất hiện của các văn phòng công chứng (VPCC) đã kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Toàn tỉnh hiện có 14 tổ chức hành nghề công chứng gồm: 3 Phòng Công chứng và 11 Văn phòng công chứng (VPCC) ở các huyện, thị xã, thành phố. So với trước năm 2009, số tổ chức hành nghề công chứng tăng thêm 11.  Cùng với việc tăng số lượng các tổ chức hành nghề công chứng, số lượng công chứng viên cũng tăng từ 7 người (năm 2009) lên 23 người (hiện nay). Hoạt động của các VPCC đã khắc phục được tình trạng quá tải trong hoạt động công chứng trước đây, từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh khi các hoạt động giao dịch dân sự ngày càng phát triển.

Đội ngũ công chứng viên được đào tạo cơ bản, có trình độ, đồng thời có thâm niên trong ngành và kinh nghiệm qua thực tiễn công tác nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch dân sự của nhân dân. Đó là kết quả tích cực của việc xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sự ra đời và hoạt động của các VPCC đã khắc phục được tình trạng quá tải trong hoạt động công chứng trước đây, từng bước đưa hoạt động công chứng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu công chứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc xã hội hoá hoạt động công chứng đã thúc đẩy các Phòng công chứng chủ động cải tiến lề lối làm việc; đơn giản hoá thủ tục hành chính; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, do đó đã rút ngắn thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật.

Song, bên cạnh những tiện ích mang lại cho tổ chức và cá nhân, hoạt động công chứng vẫn còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, các ngành và một bộ phận cán bộ, nhân dân về ý nghĩa giá trị pháp lý của hoạt động công chứng còn hạn chế; việc áp dụng pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật khác có liên quan chưa thống nhất; quy mô của các Văn phòng công chứng còn nhỏ. Đặc biệt là việc tăng nhanh số lượng các VPCC dẫn đến có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh…  gây ảnh hưởng đến chất lượng công chứng. 

Tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về hoạt động công chứng, năm 2013, Sở Tư pháp phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra liên ngành ở 11 VPCC. Hầu hết các VPCC bảo đảm duy trì khối lượng công việc và nguồn thu, đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức và cá nhân khi giao dịch. Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra, một số tồn tại, hạn chế được các đoàn chỉ rõ; yêu cầu các VPCC nghiêm túc khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu về công chứng của các tổ chức, cá nhân trong giai đoạn hiện nay.           

 

Để hoạt động công chứng đi vào nền nếp, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020” nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển VPCC đáp ứng nhu cầu công chứng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, giai đoạn 1 (2011-2015), phát triển tổ chức hành nghề công chứng đảm bảo phủ kín các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Giai đoạn 2 (2016-2020), tăng thêm 5 đến 6 VPCC. Và giai đoạn sau (từ 2020 trở đi), căn cứ thực tế sẽ phát triển thêm để phù hợp với điều kiện của địa phương.

Nhiệm vụ trước mắt, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho công chứng viên, đồng thời mở rộng qui mô hoạt động cho các VPCC để công chứng thật sự là công cụ hỗ trợ bảo đảm tin cậy cho người dân, doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng, giao dịch. 

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường cơ chế giám sát, Sở Tư pháp đã yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết thông tin đường dây nóng (số điện thoại của lãnh đạo Sở, phòng chuyên môn, thanh tra Sở, địa chỉ hòm thư điện tử) tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát, phản ánh kịp thời, đồng thời chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng ký cam kết thực hiện đúng mức thu phí và thù lao theo qui định.

Các phòng chuyên môn, thanh tra Sở thường xuyên tiến hành kiểm tra nắm tình hình, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề công chứng nhằm kịp thời phát hiện các sai sót để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.  Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng để các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện tốt, từng bước phòng ngừa, ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thảo Nguyên
Top