Nhà máy Nokia (KCN Vsip) khánh thành, đi vào hoạt động trong năm.
Đến hết tháng 11, toàn tỉnh có 459 đơn vị đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực; 719 dự án đầu tư trong nước; 6.366 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 100.009 tỷ đồng... Trong năm đã có nhiều dự án mới đi vào hoạt động, điển hình là dự án Nokia (KCN Vsip); Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh (KCN Tiên Sơn); Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam hoàn thành nhà máy của giai đoạn II đi vào sản xuất, góp phần tăng doanh thu xuất khẩu; Công ty Canon mở rộng quy mô… Đây là những nhân tố quan trọng tác động vào việc tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
8/15 KCN đang hoạt động là hạt nhân tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh. Với việc triển khai tích cực kế hoạch phát triển các hoạt động dịch vụ trong các KCN tập trung tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn đã thu hút dòng vốn đầu tư. Trong năm thu hút 100 dự án mới, vượt kế hoạch hơn 122% kế hoạch. Hiện có 668 dự án trong và ngoài nước đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,73 tỷ USD, suất đầu đạt 10,08 triệu USD/dự án. Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong các KCN tập trung tăng 165% so với năm 2012, đạt 150% kế hoạch năm 2013; nộp ngân sách ước đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 105,5% so với năm 2012.
Công ty Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong I) là nhân tố chủ lực trong nâng cao doanh thu xuất khẩu.
Với yếu tố tăng đột biến về mặt giá trị sản xuất trong các KCN tập trung, dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp cả năm của toàn tỉnh ước đạt 180.931 tỷ đồng (tính theo giá cố định 1994), tăng 61,1% so với năm 2012. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước tăng 3,8% so với năm 2012; khu vực FDI, chiếm tỷ trọng 91,5% và tăng 69,8%. Nếu tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất ước 598.770 tỷ đồng, vượt 24,6% kế hoạch năm và tăng 60,7%; trong đó khu vực FDI đạt 554.189 tỷ đồng, chiếm 92,6% và tăng 67,9%. Một số sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng ở mức hai con số là ruột phích, bình các loại, bia, giấy bìa các loại, máy in laze tăng ... Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt hơn 23 tỷ USD, đạt 162,3% kế hoạch năm. Trong đó riêng khu vực doanh nghiệp FDI đạt 22,88 tỷ USD (chiếm 99,3% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn), tăng 68,5%. Nhập khẩu ước 21,14 tỷ USD, tăng 59,3% (xuất siêu hơn 1,9 tỷ USD).
Tuy nhiên bên cạnh những nhân tố điển tình, tích cực, sản xuất của khu vực kinh tế trong nước chưa thoát khỏi khó khăn, nhất là các doanh nghiệp dân doanh, sản phẩm khó tiêu thụ chậm, sức mua của thị trường thấp. Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề, hàng tồn kho lớn thị trường bị thu hẹp. Mặc dù nhiều làng nghề như sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (Từ Sơn) những tháng cuối năm đã có những tín hiệu phục hồi sau suy thoái, nhưng chưa lấy lại được phong độ như thời kỳ hưng thịnh.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh, các ngành chức năng, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài vượt mức kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu, thu hút lao động đều tăng, tạo nhiều việc làm mới, góp phần quyết định để tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành tỉnh công nghiệp.