Du khách quốc tế tham quan chùa Tiêu (thị xã Từ Sơn).
Ông Nguyễn Quang Khải, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ, nhà nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo của Bắc Ninh nhận định: Các loại hình du lịch biển hoặc tham quan, nghỉ dưỡng tại các danh lam, thắng cảnh có thể không cần hướng dẫn viên du lịch nhưng với loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh thì nhất thiết phải có, đặc biệt là ở một miền đất ken đặc di tích với bề dày truyền thống văn hóa như Bắc Ninh. Vậy nhưng tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như vẫn đang vắng bóng người hướng dẫn viên du lịch…
Thực tế cho thấy, lực lượng lao động trong ngành du lịch đã mỏng lại còn yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả khảo sát đánh giá năm 2010 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch là 1.140 người, trong đó có 376 người đã qua đào tạo du lịch bao gồm cả trình độ ĐH, CĐ và Trung cấp, 164 người đào tạo chuyên môn khác, còn lại 600 người chưa qua đào tạo và hầu như chưa có nguồn lao động gián tiếp. Tình trạng chung tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh là thừa lao động lớn tuổi chưa qua đào tạo nhưng thiếu lao động được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, nhất là lao động chất lượng cao và có trình độ ngoại ngữ.
Nếu dựa vào các tính toán về nhu cầu lao động du lịch chung của cả nước và khu vực theo phương án 1 trong Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 thì nhu cầu lao động trong ngành du lịch của Bắc Ninh dự báo đến năm 2015 là 9.402 người, trong đó lao động trực tiếp là 3.134 người và lao động gián tiếp ngoài xã hội là 6.268 người; đến năm 2020 là 14.768 người, trong đó trực tiếp là 4.923 người, gián tiếp là 9.845 người và đến năm 2030 là 33.423 người, trong đó 11.141 lao động trực tiếp và 22.282 lao động gián tiếp. Như vậy, với thực trạng lao động du lịch vừa mỏng về số lượng vừa yếu kém về chất lượng đang là thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Để có thể đáp ứng tốt nguồn nhân lực cần thiết cho ngành du lịch của tỉnh trong giai đoạn sắp tới đòi hỏi phải có những giải pháp đào tạo trước mắt và lâu dài. Ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh cho biết: Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh đã có sự quan tâm đến vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch như: tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh, huyện; tham mưu đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ trung cấp và bồi dưỡng nghề về du lịch cho trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật Bắc Ninh; tăng cường giáo viên giảng dạy chuyên ngành du lịch cho nhà trường.
Nhà trường đã đào tạo được hai khóa chuyên ngành văn hóa du lịch và phối hợp tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh; bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm cho Ban quản lý di tích trên địa bàn huyện Gia Bình… Dẫu vậy, với yêu cầu thực tế và những dự báo về nhu cầu lao động trong ngành du lịch nêu trên thì bấy nhiêu giải pháp vẫn chưa đủ để có thể lấp đầy khoảng trống nguồn lực lao động trong ngành du lịch của tỉnh hiện nay.