Cùng với giải pháp giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, Yên Phong đã tập trung cao cho công tác điều tra, khảo sát thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng. Vài năm trước đây, tỷ số giới tính khi sinh ở Yên Phong thường ở mức cao, năm 2011 là 128 bé trai/100 bé gái, 2012 là 117 bé trai/100 bé gái. Để bảo đảm sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2013, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Yên Phong triển khai mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, đến nay 100% các xã, thị trấn của huyện thực hiện mô hình nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định, cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Từ khi triển khai mô hình đến nay, tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập câu lạc bộ “phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế” đồng thời tổ chức nói chuyện chuyên đề, tăng cường cung cấp thông tin giáo dục truyền thông về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên bằng nhiều hình thức: cấp tờ rơi, tài liệu truyền thông khác liên quan đến nội dung mô hình, xây dựng cụm panô với nội dung “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”, tuyên truyền nội dung mô hình trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông, tổ chức khám dịch vụ, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS- KHHGĐ, đặc biệt Trung tâm còn tổ chức khám sức khoẻ cho chị em phụ nữ tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Đây được coi là giải pháp cần thiết cho chị em vì họ là những đối tượng khó tiếp cận, thường xuyên chiếm nhiều thời gian làm việc trong công ty. Triển khai mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức của người dân, từ việc thích sinh con trai để có người nối dõi, giờ đây các gia đình không coi trọng việc sinh con trai, với họ dù sinh ra con trai hay con gái chỉ mong các con sinh ra được khỏe mạnh, chăm ngoan học giỏi... Vì vậy đến năm 2013, tỷ lệ giới tính khi sinh ở huyện Yên Phong là 108 bé trai/100 bé gái. Theo bà Nguyễn Thị Kiểm, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Yên Phong “Việc giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, huyện xác định nhiệm vụ này không phải của riêng ngành Y tế mà của cả xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, ngành dân số của huyện tích cực tham mưu với các cấp uỷ đảng chính quyền, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, của hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách dân số và một số văn bản liên quan đến chỉ số giới tính, lồng ghép tuyên truyền nội dung nghiêm cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi trong các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số, sức khỏe sinh sản, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp”.
Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp quan trọng nhất vẫn là truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị phải được đặt lên hàng đầu bởi một mình ngành dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham mưu nòng cốt của ngành Dân số - KHHGĐ và sự tham gia tự nguyện của người dân.